Quay lại Dân trí
Dân Sinh

ĐẮK LẮK: Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo

(Dân sinh) - Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực nên tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2018 giảm 2,56% so với năm trước. Tỉnh đang phấn đấu giảm chỉ tiêu hộ nghèo năm 2019 từ 3,46% trở lên.

ĐẮK LẮK: Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo - Ảnh 1.

Chăm sóc vườn cà phê.

Chính sách giảm nghèo

Các chính sách, dự án về giảm nghèo như: Hỗ trợ khuyến nông, lâm và phát triển thủy sản, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/QĐ/2015/QĐ-TTg; Chương trình 135 về đầu tư phát triển hạ tầng và hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn. Các chính sách phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Công tác tuyên truyền các chính sách về công tác giảm nghèo nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ và người dân được đẩy mạnh. Các giải pháp giảm nghèo được xây dựng phù hợp, tạo điều kiện cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bằng các nguồn lực đầu tư của Trung ương, địa phương và triển khai các chính sách, giải pháp giảm nghèo hiệu quả nên tỷ lệ hộ nghèo của tinh Đắk Lắk đến cuối năm 2018 số hộ nghèo giảm 2,56% so với năm trước, số hộ nghèo giảm được 9.776 hộ, đạt chỉ tiêu đề ra.

Thiết thực nhất là hỗ trợ cho nông dân là hộ nghèo thiếu vốn sản xuất được vay vốn từ chính sách ưu đãi tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội đi đôi với nguồn vốn là hỗ trợ kỹ thuật, giống, dạy nghề. Hàng năm, khoảng 58.000 hộ nghèo được vay ưu đãi. Nguồn vốn được hộ nghèo vay phát huy hiệu quả nhờ công tác tăng cường phối hợp giữa các ngành hướng dẫn thực hiện các mô hình sản xuất - kinh doanh hiệu quả, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho người nghèo. Các nguồn vốn vay đầu tư sản xuất đã biết phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; khuyến khích người dân phát triển sản xuất tạo ra các sản phẩm có giá trị, có thương hiệu phục vụ nhu cầu thị trường, thương mại dịch vụ, du lịch để người nghèo được tham gia làm việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận hộ nghèo còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ chính sách ưu đãi của Nhà nước, không muốn thoát nghèo. Để khắc phục, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cao cho công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cần vào cuộc tích cực hơn nữa để nhân dân được tiếp cận với các chính sách giảm nghèo. Đồng thời, tiếp tục xây dựng phong trào giảm nghèo thông qua biểu dương, khen thưởng các cá nhân là những gương điển hình tiên tiến, vươn lên thoát nghèo.

ĐẮK LẮK: Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo - Ảnh 2.

Đường nông thôn bê tông hóa.

Hiệu quả của chính sách giảm nghèo

Để giảm nghèo hiệu quả, tỉnh đã chú trọng hỗ trợ bà con nông dân là hộ nghèo phát triển sản xuất bằng các giải pháp hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hỗ trợ trực tiếp vật tư trong chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Trong năm qua đã hỗ trợ gần 17 tỷ đồng và mua 99.600 liều vắc xin lở mồm long móng cho 719 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tiến hành khảo sát, lựa chọn để nhân rộng 11 mô hình chăn nuôi và trồng trọt cho khoảng 220 hộ tại 12 xã thuộc 8 huyện với kinh phí gần 4,3 tỷ đồng. Xây dựng và triển khai 4 dự án chăn nuôi, hỗ trợ 73 hộ nghèo, hộ cận nghèo các huyện: Cư M'gar, Cư Kuin, Bôn Đôn và Krông Pắk, với kinh phí gần 1 tỷ đồng. Nhân rộng 5 mô hình chăn nuôi và trồng trọt cho khoảng 91 hộ tại 5 xã với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giảm nghèo như xây dựng phim tài liệu chuyên mục giảm nghèo trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trên báo và tạp chí, tổ chức các cuộc đối thoại với người nghèo tại một số xã với kinh phí gần 560 triệu đồng. Cấp huyện và cơ sở đã xây dựng 10 sản phầm tuyên truyền trên sóng phát thanh từ cấp huyện đến cấp xã, mở 3 lớp bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ tuyến cơ sở, giảm nghèo về thông tin với kinh phí hơn 2,8 tỷ đồng.

ĐẮK LẮK: Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo - Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi.

Từ việc triển khai nguồn vốn của chính sách giảm nghèo đến với nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi… đã phát huy hiệu quả kinh tế, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện cho nông dân nói chung, hộ nghèo nói riêng vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nổi bật là những mô hình sản xuất gắn với thế mạnh của địa phương như mô hình nuôi dê, bò và trồng xen canh sầu riêng, bơ trong vườn cà phê. Điển hình như gia đình anh Đinh Công Sơn (thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện CưMga) trước đây thuộc diện hộ nghèo do thiếu đất sản xuất. Thông qua nguồn quỹ của Hội Nông dân xã, gia đình anh được hỗ trợ vay 8 triệu đồng để mua 4 con dê. Nhờ chăm sóc tốt, mỗi năm dê đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân 2 - 3 con. Đến nay, anh Đinh Công Sơn đã gây đàn được 16 con dê mẹ. Nhờ bán dê giống và dê thịt, gia đình anh Đinh Công Sơn có thêm thu nhập trên 70 triệu đồng/năm và đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

ĐẮK LẮK: Hiệu quả từ các chính sách giảm nghèo - Ảnh 4.

Mô hình chăn nuôi.

Cuộc sống gia đình ông Y Ngoăn Êban (buôn Kroa C, xã Cuôr Đăng, huyện CưMga) trước đây rất khó khăn, kinh tế trông chờ vào 1,5ha cà phê nhưng hiệu quả đem lại thu nhập không cao. Sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do địa phương tổ chức, ông Y Ngoăn Êban đã mạnh dạn mua giống bơ, sầu riêng về trồng xen trong rẫy cà phê. Bằng phương pháp chăm sóc đúng kỹ thuật, tất cả các loại cây trồng trong vườn đều phát triển tốt, sầu riêng và bơ bắt đầu bước vào giai đoạn kinh doanh, kinh tế gia đình ông Y Ngoăn Êban đã thu nhập cao hơn, đến nay thu lãi gần 200 triệu đồng/mùa. Nhận thấy mô hình kinh tế hiệu quả, ông Y Ngoăn Êban đã tuyên truyền, vận động người dân trong buôn làm theo. Đến nay, 100% các hộ trong buôn đều trồng xen các giống cây trồng có năng suất, giá trị cao như: Tiêu, sầu riêng, bơ trong rẫy cà phê hoặc mua các giống bò, dê về nuôi quy mô gia trại. 

Bà H'Lam Niê (SN 1968) từng là hộ nghèo nhất buôn H'Drát với cảnh một nách hai con sống lay lắt trong căn nhà tạm dột nát. Nhưng giờ đây nhờ có chính sách giảm nghèo hỗ trợ vốn, cuộc sống của bà đã hoàn toàn "lột xác" khi dứt bỏ được cái khó khăn đói nghèo đeo bám nhiều năm qua. 

Nhìn chung các mô hình từ chính sách giảm nghèo và dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nuôi trồng… được các cấp quan tâm chỉ đạo, các chính sách dự án được thực hiện công khai, dân chủ, đúng đối tượng, theo nhu cầu, nguyện vọng của người dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Nguồn vốn của các chính sách về giảm nghèo cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời đảm bảo 100% cho các đối tượng đều được thụ hưởng.