Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Xuất hiện ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Đắk Lắk

(Dân sinh) - Sáng ngày 6/9, đại diện Trung tâm Y tế huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, huyện vừa có một số ca mắc bạch hầu vừa điều trị xong, thì lại ghi nhận 1 ca đầu tiên dương tính với viêm não Nhật Bản B.

Huyện Krông Bông là huyện có số bệnh nhân mắc bạch hầu nhiều nhất tỉnh Đắk Lắk. Tính đến ngày 5/9, toàn tỉnh có 41 ca mắc bạch hầu, huyện Krông Bông có tới 17 ca và 13 ổ dịch. Hiện tất cả các ổ dịch bạch hầu trên địa bàn huyện đã kết thúc, 16/17 bệnh nhân đã được xuất viện

Bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là Y.N.B (7 tuổi), tại buôn Cư Păm, xã Dang Kang, có biểu hiện sốt, ho, gia đình tự mua thuốc về cho uống nhưng không đỡ nên đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Bông. Sau đó bệnh nhân Y.N.B được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với viêm não Nhật Bản B. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế huyện Krông Bông tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường khu vực xung quanh nhà bệnh nhân, tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B.

Từ đầu năm đến nay, Đắk Lắk ghi nhận 4 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản B tại các huyện Ea Kar, huyện Ea Hleo, huyện M'đrắk và huyện Krông Bông. Qua điều tra dịch tễ của ngành y tế, bệnh nhân không tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản (do bị dị tật bẩm sinh, thể trạng yếu), không đi đâu xa trong 3 tuần trước khi mắc bệnh, xung quanh gia đình bệnh nhân không có trường hợp nào mắc bệnh tương tự. Tại nhà bệnh nhân, cán bộ y tế ghi nhận sự hiện diện của muỗi Culex (muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản B).

Đắk Lắk: Xuất hiện ca mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Virus viêm não Nhật Bản có kích thước 15 – 22 – 50 nanomet, là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.

Loài động vật mang mầm bệnh viêm não Nhật Bản thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Vì vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.

Ở nước ta, loài muỗi Culex truyền bệnh này xuất hiện đa số ở miền Bắc, tăng nhiều vào những tháng thuộc mùa nóng. Muỗi Culex có mật độ cao ở các vùng đồng bằng và trung du, sinh sản mạnh nhất là vào mùa hè (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 7) và hoạt động mạnh vào buổi tối. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não Nhật Bản là trẻ em do có hệ miễn dịch yếu hơn người lớn và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản đầy đủ. Ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, Hà Nội cho thấy, các trường hợp mắc bệnh thường không được tiêm phòng, không tiêm nhắc lại hoặc cha mẹ nhầm lẫn với bệnh cảm sốt thông thường nên đưa trẻ tới bệnh viện muộn.