Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đáng ngẫm: “Ngốc” cũng là một bản lĩnh, một kiểu trí tuệ, một kiểu tâm thái

Có một tác gia từng nói: “Những người tài giỏi đều là những người ngốc. Chỉ có những người rất ngốc mới chịu khó khổ luyện, mới kiên trì tới cùng không từ bỏ, mới có thể 10 năm rèn kiếm xưng bá võ lâm”.

Có những người luôn tự cho mình là thông minh, thích đi đường tắt, ước mơ một đêm giàu có, một phát thành danh, muốn thành công nhưng lại không vất vả, mất sức. Nhưng cũng có người hiểu rằng những người ưu tú, thành công sở dĩ ưu việt, không phải vì họ sinh ra đã hơn người, mà bởi họ tự nguyện "ngốc" hơn người khác, nỗ lực hơn người, họ biết cách trầm lại, khiêm tốn, kiên trì và nỗ lực học hỏi và phát triển.

Ngốc là một loại tâm thái

Mọi thành công của đời người, đều được thành toàn bởi sự "ngốc nghếch", ngốc nghếch kiên trì, không từ bỏ.

Tôi đọc được câu chuyện về nhà khoa học người Pháp Roger Charles Louis Guillemin rằng:

Ông và đồng nghiệp của mình, Andrzej Wiktor Schally đã nghiên cứu xem liệu bản thân tuyến yên, nơi kiểm soát hoạt động của nhiều tuyến khác, có chịu sự tác động của một số chất do vùng dưới đồi não sản xuất hay không.

Vì điều này, họ đã dành trọn 35 năm để mổ não của 270 triệu con cừu, và cuối cùng chiết xuất 1mg mẫu yếu tố giải phóng kích thích tuyến giáp, tách thành công các chất hoạt động trên tuyến yên.

Họ phát hiện ra rằng nó là một phân tử khá đơn giản với hàm lượng rất ít trong cơ thể, và có thể được sử dụng để điều trị rối loạn chức năng tuyến yên.

Nhờ vậy mà Guillemin và Schally đã cùng nhau nhận giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1977.

Sự thành công của họ chẳng có bí quyết gì, nó chẳng qua cũng chỉ là 35 năm như một ngày, kiên trì không ngừng, "ngốc nghếch" không từ bỏ, "ngốc nghếch" đợi tới ngày thành công thì thôi.

Hoa sen suốt 29 ngày mới nở được nửa ao, nhưng tới ngày 30 nó lại nở đầy một mặt ao, đây được gọi là "định luật hoa sen", định luật hoa sen nói với chúng ta một đạo lý rằng: thành công cần tới sự tích lũy, cần tới sự trầm đọng.

Chủ biên của một tờ báo nổi tiếng từng nói rằng: "Mọi người thành công, đều là bởi vì họ có một chút khờ, có một chút ngốc."

Ngốc ở đây không phải là bảo thiên chất không tốt, mà nói là một tâm thái, là sự kiên trì, trầm ổn, biết lắng lại âm thầm nỗ lực, chờ tới ngày thành công.

"Ngốc" là một loại bản lĩnh

Một tác gia nói: "Người càng thông minh, càng ngốc."

Ngốc ở đây không phải sự ngu dốt, là là một loại trí tuệ, là một kiểu "tinh thần nghệ nhân".

Thế nào là "tinh thần nghệ nhân"?

Nhật Bản có một loại sơn mài được xem là quý giá nhất có tên là Wajima-nur, được sản xuất ở thành phố Wajima, tỉnh Ishikawa. Nó là di sản văn hóa phi vật thể duy nhất trong lĩnh vực nghệ thuật hội họa của Nhật Bản.

Để có thể cho ra đời một sản phẩm nho nhỏ như bát ăn cơm, người thợ phải mất gần nửa năm trời để hoàn thành. Trên lớp cốt gỗ, người ta quét hỗn hợp sơn thô gồm hồ gạo và đất nhằm tạo độ dày cho gỗ. Những người thợ sơn mài phải rất mực kiên nhẫn thực hiện hơn 200 bước sơn lặp đi lặp lại nhiều lần.

Công việc tưởng chừng như nhàm chán này lại chính là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình tạo nên những món đồ sơn mài Wajima nổi tiếng. Quét xong lớp sơn đầu tiên, người ta chờ qua một đêm cho sơn khô rồi mới quét tiếp lớp thứ hai. Đến lớp sơn thứ hai, sản phẩm trải qua từ 70 đến 80 lần sơn mới xong. Chỉ một giây lơ là ở lớp sơn này, đồ sơn mài có thể bị lỗi và trở nên kém chất lượng, phải bỏ đi. Hết lớp sơn thứ hai, người thợ lại chờ sản phẩm khô rồi quét tiếp lớp thứ ba, rồi thứ tư… Cứ thế, từng chút, từng chút một, sản phẩm sơn mài hoàn thiện dần và trở thành những món đồ dùng đẹp mắt "làm tỏa sáng các món trên bàn ăn" của những gia đình Nhật.

Cốt lõi của "tinh thần nghệ nhân" ở đây là:

"Người nghệ nhân không chỉ xem công việc như một công cụ để kiếm tiền, mà còn tự thiết lập cho mình một tinh thần bền bỉ trong công việc, sự tỉ mẩn, tinh tế trong những gì họ làm và sản phẩm được tạo ra."

Trong xã hội ngày nay, "tinh thần nghệ nhân" này đã không còn nhiều, nếu không muốn nói là quá ít.

Rất người người trẻ khôn lỏi, lanh vặt trong xã hội hiện đại, không muốn đi nỗ lực, tỉ mẩn trong công việc, họ cho rằng đó là ngốc nghếch, không muốn học hỏi hay xây dựng cho mình một nền tảng cơ bản vững chắc nhất, gặp vấn đề khó lại chỉ muốn rẽ sang hướng khác đi đường tắt cho nhanh.

Họ không biết rằng "ngốc" tới cực hạn mới chính là "thông minh".

Người dám lựa chọn cách "ngốc" nhất, chân chất hết mình đi nỗ lực, mài dũa năng lực, mới là người thông minh.

Nói về thành công của mình, một diễn viên nổi tiếng từng nói rằng:

"Tôi không có bí quyết gì, phương thức mà tôi lựa chọn khá là "ngốc", khi đã quyết tâm làm việc gì, tôi sẽ dốc hết sức mình nỗ lực vì nó."

Thay vì tìm chỗ dựa, thay vì tìm mọi cách để có thể thành công nhanh chóng hơn, những người thành công họ lại lựa chọn đi lên bằng chính thực lực của mình, nỗ lực hết mình, dù phương pháp này của họ rất "ngốc", nó có thể khiến họ vất vả, khiến họ mất nhiều thời gian, khiến họ vấp ngã nhiều hơn người khác, nhưng nó đồng thời cũng biến họ thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình.

Thành công trước giờ không có đường tắt, chỉ khi bạn đi qua những con đường mà mình bắt buộc phải đi, trải qua những khó khăn mà mình cần phải chịu, bạn mới có thể từng bước, từng bước tới được với điểm cuối cùng.

Sự "ngốc nghếch" nỗ lực ngày này qua tháng khác của bạn, cuối cùng sẽ trở thành thứ mà người khác ngưỡng mộ, thứ mà họ muốn với tới cũng không được.

"Trong thời đại Internet, thông tin bùng nổ, kiến thức quá tải, ý kiến nhốn nháo, quan điểm phân tán như hiện tại, thì việc tập trung vào một thứ, phấn đấu cho sự hoàn hảo, thái độ và hành động kiên trì là điều hiếm hoi và quý giá nhất. "

Người không đủ thông minh, phải đủ "ngốc", cuộc đời không bao giờ bạc đãi những người "ngốc" cả.

Sẵn sàng "ngốc", kiên trì, âm thầm nỗ lực để xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc rồi vươn xa khi cơ hội ập tới mới là trí tuệ tuyệt vời của cuộc sống.