Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đất lửa Quảng Bình

Trong các cuộc trường chinh chống Mỹ, Quảng Bình luôn là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng, nơi hội đủ các yếu tố “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” để tổ chức toàn dân kháng chiến. Quảng Bình còn được xem như chiếc cầu nối giữa mặt trận Bình - Trị - Thiên khói lửa với mặt trận Trung Lào và vùng tự do, là hậu phương Thanh - Nghệ - Tĩnh. Chính vì vậy, mà Quảng Bình được biết đến là vùng “đất lửa” với hàng triệu tấn bom của đế quốc Mỹ dội xuống tàn phá không kể ngày đêm.

Đất lửa Quảng Bình

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cùng với Vĩnh Linh, Quảng Bình trở thành tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc và là hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Theo thống kê, máy bay Mỹ đã thực hiện trên 80.000 cuộc tấn công vào Quảng Bình (trong đó có 2.172 lần bằng máy bay chiến lược B.52) với hơn 1,5 triệu tấn bom cùng hàng chục vạn quả rốc-két, tên lửa và tàu chiến đã bắn hơn 14 vạn quả pháo. Bom đạn Mỹ đã giết hại 12.330 người, làm bị thương 18.434 người. Đốt cháy và đánh sập hàng vạn nóc nhà… 

Đất lửa Quảng Bình - Ảnh 1.

Tượng đài TNXP Quảng Bình

Ngay từ rất sớm, năm 1957 trong chuyến về thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã nhận thấy và đánh giá đúng vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Quảng Bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc. Mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú ở đây đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ý nghĩa nhất định đối với việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình và Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết". Những lời căn dặn của Bác đã nói lên vai trò, vị trí chiến lược quan trọng của Quảng Bình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Là vùng "đất lửa" không chỉ là sự khắc nghiệt của thiên nhiên với những cái nắng quanh năm cháy da, cháy thịt, những cồn cát trắng xoá trải dài khắp Quảng Bình, đến cây cỏ còn khó sống, mà Quảng Bình còn được biết đến là "đất lửa" với hàng nghìn tấn bom dội xuống của quân địch nhằm đánh phá con đường huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, chi viện sức người và của cho tiền tuyến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Đất lửa Quảng Bình - Ảnh 2.

Nhà Thờ Tam Toà bên bờ sông Nhật Lệ

45 năm sau chiến tranh nơi đây còn để lại dấu tích của những trận dội bom tàn phá của quân địch, nhiều ngôi nhà bị cháy, làng mạc bị tàn phá tiêu điều… Hiện nay, ngay bên bờ sông Nhật Lệ, Nhà thờ Tam Tòa bị chiến tranh tàn phá nặng nề đến mức chỉ còn trơ tháp chuông đầy vết đạn. Địa danh này đã trở thành một chứng tích chiến tranh khóc liệt mà nhân dân Quảng Bình còn lưu giữ đến hôm nay. Hay di tích lịch sử Hang Tám Cô tại đường 20 Quyết Thắng, phà Tam Gianh… là những địa danh đế quốc Mỹ dội bom ngày đêm tàn phá. 

Những ai đã từng đi qua cuộc chiến vĩ đại này của dân tộc hẳn không thể quên một địa danh huyền thoại đã đi vào lịch sử: Bến phà Xuân Sơn. Một bến phà nhỏ vượt khúc sông Son rộng chỉ 100m, nhưng lại là trọng điểm bị bắn phá ác liệt nhất trên đường Trường Sơn bởi nó là tuyến đầu chi viện cho miền Nam qua 2 ngả: đường 20 Quyết Thắng ngược lên phía Tây qua nước bạn Lào và đường 15A ở phía Đông nối vào đường 10, đường 16... 

Đất lửa Quảng Bình - Ảnh 3.

Bom cỡ lớn không nổ được biến thành cột cổng làng ven biển (ảnh tư liệu).

Từ năm 1965 đến 1972, Mỹ dùng mọi phương tiện tối tân nhất hòng chặt đứt con đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam. Xuân Sơn được coi là điểm nút quan trọng trong tuyến huyết mạch này. Đêm đêm trên bến phà, pháo sáng giăng đầy trời. Máy bay Mỹ đánh phá bất kể giờ giấc, quy luật, hết đợt này đến đợt khác… Không chỉ bến phà Xuân Sơn, phà Tam Gianh… các cầu, phà, đường nối liền con đường huyết mạch miền Bắc với miền Nam đều bị đế quốc Mỹ đánh phá ngày đêm khốc liệt.

Khúc ruột miền Trung

Quảng Bình - được xem như khúc ruột miền Trung nghèo khó. Từ bao đời nay, người dân Quảng Bình luôn chia ngọt sẻ bùi mỗi khi hoạn nạn, sự đoàn kết trong mỗi cán bộ đảng viên đến người dân qua mỗi cơn hoạn nạn lại càng thầu hiểu lòng nhau. Bởi thế, từ công cuộc kháng chiến cứu nước rồi đến công cuộc tái thiết tỉnh nhà với không biết bao nhiêu khó khăn nhưng ý chí nghị lực người dân Quảng Bình đều vượt qua, vươn lên để phát triển. 

45 năm sau chiến tranh, Quảng Bình đã khắc phục được tình trạng trì trệ về kinh tế - xã hội, đưa nền kinh tế đi vào thế ổn định. Không ngừng chuyển động phát triển mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thời kỳ 1989 - 2019 đạt 8,2%. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Công Thuật chia sẻ: "Từ một nền kinh tế thuần nông, đến nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. So với năm 1989 quy mô kinh tế tăng 119 lần, GRDP bình quân đầu người tăng 89 lần. với sự đoàn kết, thống nhất cao cùng sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua tất cả để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội và đạt được những kết quả hết sức khả quan". 

Đất lửa Quảng Bình - Ảnh 4.

Toàn cảnh Thành phố Đồng Hới bên dòng sông Nhật Lệ (Tiến Luyến)

"Năm 2019, đã có 19/21 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch; mức tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra, đạt 7,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, từng bước giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản; tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 19,71%; công nghiệp, xây dựng chiếm 28,28%; dịch vụ chiếm 52,01%. Thu ngân sách trên địa bàn vượt kế hoạch và tăng cao so với cùng kỳ, đạt gần 6.000 tỷ đồng. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2019, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình ước đạt 5 triệu lượt, tăng 28%, trong đó khách quốc tế tăng 35%" - Chủ tịch Bình Trần Công Thuật cho biết thêm.

"Có thể nói, từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém thì đến nay Quảng Bình đã có sân bay, cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thuỷ lợi, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế đã và đang phát huy hiệu quả, thu hút nhiều dự án đầu tư. Môi trường thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn, đã khơi dậy và phát huy mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, các vùng kinh tế động lực được hình thành ngày càng rõ nét. Có thể nói, đó thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh"- Chủ tịch tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh.

Đất lửa Quảng Bình - Ảnh 5.

Đôi bờ sông Gianh

Quảng Bình - khúc ruột miền Trung nghèo khó nay đang bứt phá trở thành điểm đến đầy khao khát không chỉ của du khách trong nước mà còn của du khách quốc tế, bởi nơi đây đang sở hữu kho tàng di sản văn hóa, tự nhiên độc đáo của thế giới. Quảng Bình nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây, có vai trò quan trọng trong vùng du lịch Bắc Trung bộ với thế mạnh nổi trội về du lịch sinh thái gắn với di sản văn hóa và du lịch biển, đảo. 

Du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Bình. Được đánh giá là "Viên kim cương xanh" của du lịch của Việt Nam, Quảng Bình xác định phát triển du lịch bền vững làm nền tảng trong quá trình dịch vụ hóa nền kinh tế. Theo hướng này, ngay từ đầu năm 2020, ngành du lịch Quảng Bình đã tập trung đưa du lịch phát triển theo chiều sâu, từ việc nâng cao nhận thức trong xã hội đến tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường mục tiêu trong nước và quốc tế. 

Ngành du lịch Quảng Bình tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khẳng định vị thế của thương hiệu du lịch hàng đầu của Việt Nam tại các thị trường quốc tế. Năm 2020, Quảng Bình phấn đấu đón hơn 5 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.

Sau 45 năm nhìn lại, không ai có thể hình dung được trên đất lửa Quảng Bình bom cày, đạn xới năm nào lại mọc lên những làng quê trù phú, những công trình, dự án quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế đã và đang đi vào hoạt động, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, đời sống và thực hiện các chính sách an sinh xã hội đã có những bước tiến quan trọng, tạo được những dấu ấn mới trong quá trình phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, từ tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50% thì đến nay giảm còn 6,14%. 

"Trong lãnh đạo, chỉ đạo cần tranh thủ và phát huy, khơi dậy được nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, địa phương, xác định rõ nhiệm vụ cụ thể trong từng thời điểm để tập trung các nguồn lực tổ chức thực hiện; các chủ trương, chính sách ban hành được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng thực hiện. Trong những năm tới, Quảng Bình tập trung phát triển các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tiếp tục tạo chuyển biến rõ nét về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao lượng nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện điều kiện và chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân" - Chủ tịch Trần Công Thuật nhấn mạnh.