Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đất mỏ - Quảng Ninh: Thiết thực tri ân người có công

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, hằng năm, vào dịp tháng 7 nhiều hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị được triển khai thiết thực, sâu rộng, lan tỏa những nghĩa cử cao đẹp của người dân vùng đất Mỏ Quảng Ninh.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện Quảng Ninh đang thực hiện chính sách cho trên 14.000 đối tượng NCC với cách mạng. Trong đó có trên 7.000 gia đình liệt sĩ; hơn 6.200 thương, bệnh binh; 24 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng hàng trăm cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ lão thành cách mạng, NCC giúp đỡ cách mạng; hàng chục nghìn người tham gia kháng chiến được hưởng các chế độ của Nhà nước, trong đó có trên 3.300 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học.

Đất mỏ - Quảng Ninh: Thiết thực tri ân người có công - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh dâng hương, hoa tại Khu mộ của 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Trong dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCC với cách mạng bằng nhiều hình thức; thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời các chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng NCC khó khăn, đang sống cô đơn không nơi nương tựa, gia đình chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để sớm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những biểu hiện và hành vi tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, chế độ đối với NCC với cách mạng; tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị về thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh theo Kết luận thanh tra số 546/KL-TTr ngày 5/11/2019 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH và chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 8316/UBND-XV2 ngày 15/11/2019, văn bản số 2839/UBND-VX2 ngày 4/5/2020. Đồng thời triển khai thực hiện tốt Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 3), với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020 đảm bảo đúng quy trình, tiến độ thời gian, huy động sự chung tay của cộng đồng tham gia.

Đất mỏ - Quảng Ninh: Thiết thực tri ân người có công - Ảnh 2.

Thăm tặng quà gia đình người có công.

Bên cạnh đó, thực hiện phong trào xã hội hóa chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; nhận đỡ đầu chăm sóc thường xuyên bố, mẹ, vợ liệt sĩ già yếu cô đơn, thương bệnh binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh khó khăn; quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện về học tập và việc làm cho con thương binh, bệnh binh, con liệt sĩ và con của NCC với cách mạng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống NCC và thân nhân của họ. Tích cực vận động và tham gia ủng hộ "Quỹ Đền ơn đáp nghĩa" các cấp để huy động nguồn lực của toàn xã hội cùng nhà nước chăm lo cho đối tượng chính sách. Tổ chức Lễ dâng hương và thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn toàn tỉnh vào hồi 20 giờ ngày 26/7/2020.

Cũng trong dịp này, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2164/QĐ-UBND tặng quà cho NCC và gia đình NCC với cách mạng nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh- Liệt sĩ. Theo đó, có 2 mức quà tặng được tặng: Mức 2.000.000 đồng/suất và mức 1.000.000 đồng/suất.

Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh sẽ đi tặng quà 4 đơn vị có nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng là người tỉnh Quảng Ninh với mức 5.000.000 đồng/đơn vị, gồm: Trung tâm Kim Bảng, tỉnh Hà Nam; Trung tâm Duy Tiên, tỉnh Hà Nam; Trung tâm Nho Quan, tỉnh Ninh Bình; Trung tâm Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tặng quà mức 2.500.000 đồng/suất cho 9 cá nhân, gia đình NCC với cách mạng được lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến thăm, tặng quà.

Với những hoạt động chăm lo, tri ân thiết thực, đến nay 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và NCC. Hầu hết các gia đình chính sách trên địa bàn đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân cùng nơi cư trú.