Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đầu năm doanh nghiệp “khát” lao động

(Dân sinh) - Tuy mới đi vào hoạt động hơn một tuần sau kỳ nghỉ Tết, thế nhưng thời điểm này, nhiều công ty, nhà máy đã treo thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn từ hàng trăm đến hàng chục ngàn lao động. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tìm đủ nguồn lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Thiếu nguồn nhân lực do nhu cầu mở rộng sản xuất

Là một tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, kinh tế phát triển mạnh trong nhiều năm liên tục, Đồng Nai luôn phải đối diện với sự thiếu hụt lao động sau Tết nguyên đán. Ông Cao Duy Thái, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai cho biết, những năm gần đây, nhu cầu tuyển dụng lao động ở tỉnh Đồng Nai liên tục tăng. Trung bình mỗi năm cần khoảng 90.000 đến gần 100.000 lao động. Với nhu cầu tuyển dụng cao mà nguồn lao động đang thiếu nên dẫn đến việc tuyển dụng lao động ở các DN gặp nhiều khó khăn.

 Việc công nhân nhảy việc sau Tết vẫn xảy ra nhưng công nhân chỉ "nhảy" từ DN này qua DN khác cũng đóng trên địa bàn tỉnh, điều đó không phải nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt lao động. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nguồn nhân lực lao động là do các DN có nhu cầu mở rộng hoạt động sản xuất.

Tương tự, ngay sau Tết nguyên đán, trên trang thông tin của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh có 16 ngành nghề với 73 vị trí tuyển dụng mới được đăng tuyển, nhu cầu tuyển dụng gần 3.500 lao động. Trong đó, những công việc được tuyển nhiều gồm: công nhân may mặc, công nhân kỹ thuật, lái xe, nhân viên kinh doanh, nhân viên giao nhận hàng…nhiều DN Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng lao động để ổn định sản xuất, kinh doanh, nhiều vị trí có mức lương cao nhưng vẫn... khó tuyển dụng.

Tại TP. HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI),  đưa ra dự kiến nhu cầu nhân lực tại TP HCM trong tháng 2/2020 là khoảng 30.000 chỗ làm việc, tập trung chủ yếu ở các ngành như: dệt may - giày da, cơ khí - tự động hóa, chế biến thực phẩm, kinh doanh - thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghệ thông tin, hành chính văn phòng, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, tài chính - kế toán... Theo bà Trần Lê Thanh Trúc, Giám đốc Trung tâm, chu kỳ của thị trường lao động thì thời điểm sau Tết là lúc các DN sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong năm 2020; do đó việc thiếu hụt lao động là cơ hội cho người lao động, nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động, tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm được việc làm phù hợp.

Đầu năm: Doanh nghiệp “khát” lao động - Ảnh 1.

Do nhu cầu mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn sau Tết

Vừa kết nối thị trường lao động, vừa phòng chống dịch Corona

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, tính từ sau Tết Nguyên đán đến nay,  mặc dù có chịu sự ảnh hưởng bởi dịch Corona nhưng sự biến động của thị trường lao động cũng không cao,  thông thường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán thì nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội cũng tăng lên lên  đáng kể.

"Ví dụ như đợt vừa rồi, qua một tuần chúng tôi ghi nhận hơn 150 DN có nhu cầu tuyển dụng tại các điểm trên hệ thống các sàn giao dịch việc làm trên địa bàn thành phố với khoảng gần 2000 chỉ tiêu tuyển dụng. Thực hiện theo đúng công điện của Bộ LĐ-TB&XH là tạm dừng tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tránh tập trung đông người để phòng chống dịch bệnh nCoV nên Trung tâm đã chuyển đổi từ hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm sang hình thức cung cấp thông tin về thị trường lao động, trao đổi, kết nối phỏng vấn qua hình thức online, kèm theo hướng dẫn online cho DN và người lao động. Chúng tôi sẽ cung cấp cho DN các ứng viên, và cung cấp thông tin tuyển dụng đến với người lao động để họ tự trao đổi, kết nối với nhau. Bên cạnh đó, với người lao động vẫn đến Trung tâm, chúng tôi vẫn tiếp tục tư vấn, cung cấp thông tin tuyển dụng của DN cho họ.", ông Thành cho biết.  

Hà Nội có đặc thù là lực lượng lao động rất lớn, các sàn giao dịch việc làm luôn chật ních và  đây cũng là "điểm nóng" trong phòng chống dịch bệnh corona, tuy nhiên, ông Thành cho biết, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội vẫn duy trì đầy đủ các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động để người lao động và DN có đầy đủ những thông tin cần thiết.

"Vừa qua, mặc dù tỷ lệ lao động đến Trung tâm cũng giảm, có thể trước mắt họ cũng lo lắng về dịch bệnh khi đến nơi đông người, việc kết nối cung cầu lao động cũng ít nhiều bị tác động và nhiều DN cũng chịu ảnh hưởng , nhưng nhìn chung,  bên cạnh biện pháp phòng chống dịch thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường. Hiện chúng tôi rất tích cực thực hiện theo đúng công điện của Bộ và chỉ đạo của Sở, ngoài việc cung cấp thông tin, chúng tôi cũng có những kế hoạch  thu thập cơ sở dữ liệu, làm tốt công tác chuẩn bị để khi dịch có xu hướng giảm thì chúng tôi sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề như việc làm cho thanh niên, những phiên giao dịch việc làm bán thời gian…để hỗ trợ người lao động và DN trong công tác tuyển dụng và tìm kiếm việc làm", ông Thành cho biết.