Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID19

(Dân sinh) - Ngày 21/2/2020, Tổng cục GDNN đã ban hành Công văn số 345/TCGDNN-ĐTCQ Về việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID19

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong bối cảnh  dịch bệnh COVID19 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Công văn nêu rõ, trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (COVID 19) vẫn đang diễn biến phức tạp và kéo dài, để đảm bảo công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong năm học 2020 được thực hiện ổn định, đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch theo yêu cầu, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi là các trường) tăng cường các giải pháp tuyển sinh, tổ chức đào tạo như sau:

Tiếp tục thực hiện công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo trong năm 2020 theo hướng dẫn tại Công văn số 668/TCGDNN-ĐTCQ ngày 26 tháng 4 năm 2019 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo năm 2019 theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh, tổ chức đào tạo, cụ thể:

- Thiết lập các chuyên trang về tuyển sinh của các trường trên các trang mạng xã hội (facebook, twitter, viber, zalo, ....) hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online; đăng ký sử dụng dịch vụ tiếp cận đến nhiều đối tượng trên các trang mạng xã hội để dễ dàng trong việc tiếp cận và trao đổi thông tin tuyển sinh;

- Xây dựng, bổ sung công cụ hỗ trợ trực tuyến (live chat) trên các website của trường và thường xuyên cử cán bộ, giáo viên quản lý, theo dõi nhằm kịp thời hỗ trợ người học trong việc tìm hiểu thông tin, tư vấn nghề nghiệp và đăng ký dự tuyển;

- Đăng ký, xây dựng các chương trình truyền thông về tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp của trường trên các website của các cơ quan truyền thông hoặc các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trung ương;

- Xây dựng các ấn phẩm truyền thông số (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu, clip ....) về tư vấn, hướng nghiệp; thông tin về nhà trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp của trường để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng;

- Đẩy mạnh việc đăng ký dự tuyển trực tuyến qua website của nhà trường, Trang tuyển sinh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Báo Tuổi trẻ (địa chỉ: http://tuyensinh.gdnn.gov.vn/ hoặc: https://dangkyxettuyennghe.tuoitre.vn/); thực hiện việc xét tuyển và thông báo kết quả trúng tuyển trên các website của trường hoặc thông qua các thiết bị di động;

- Đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đặt liên kết đến địa chỉ Trang tuyển sinh trực tuyến của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Báo Tuổi trẻ trên trang thông tin điện tử của Sở (nếu có) để thuận tiện cho việc truy cập của người học; không tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn khi chưa bảo đảm an toàn trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác tuyển sinh năm 2020 theo phương châm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng; tuyển sinh gắn với tuyển dụng, việc làm sau tốt nghiệp của người học ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; tăng cường tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực lao động có tay nghề cao cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở vào học liên thông lên trình độ cao đẳng đáp ứng mục tiêu phân luồng theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025".

Các trường theo lĩnh vực, vùng miền, nghiên cứu, thiết lập ra nhóm trường liên kết tuyển sinh, xây dựng Website chung để tổ chức tuyển sinh, xét tuyển trực tuyến; chia sẻ thông tin, dữ liệu về hồ sơ đăng ký tuyển sinh, đào tạo.

Tùy từng điều kiện cụ thể, các trường nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch, chương trình đào tạo, phân công giáo viên giảng dạy cho phù hợp nếu tình hình dịch bệnh COVID 19 còn kéo dài, theo hướng:

- Sử dụng thời gian dự phòng (nếu có) hoặc giảm thời gian nghỉ hè vào thời gian học tập chính khóa;

- Đẩy nhanh việc số hóa các nội dung, môn học, mô đun phù hợp (ví dụ như các môn đun, môn học lý thuyết; các chuyên đề; các loại tài liệu giảng dạy, học tập...) để thực hiện đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến (online) đối với các nội dung, môn học, mô đun phù hợp phục vụ công tác giảng dạy cả trong và sau dịch bệnh COVID 19;

- Xây dựng và phát triển hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến, hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning);

- Khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng các bài giảng điện tử cho nội dung, môn học, mô đun được phân công phụ trách và được tính vào thời gian nghiên cứu khoa học theo chế độ làm việc của giáo viên.

- Xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học sinh, sinh viên theo khoa, khóa học... trên website của trường hoặc các trang mạng xã hội (live chat); thường xuyên giữ liên lạc với học sinh, sinh viên để cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn học tập.

Mọi vấn đề cần được hỗ trợ hoặc thông tin, trao đổi, giải đáp trực tuyến đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường truy cập vào địa chỉ: https://zalo.me/g/ftnyfw570 hoặc quét mã QR code như hình bên, tham gia nhóm live chat của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để được hỗ trợ trực tuyến.

Trên đây là một số hướng dẫn về công tác tuyển sinh, đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh COVID 19, đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nỗ lực, chủ động triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2020./.