Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển

(Dân sinh) - Ngày 15/6, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức Hội nghị Phòng chống thiên tai khu vực miền Nam năm 2020 tại TP Hồ Chí Minh.

Hội nghị nhằm tổ chức đánh giá công tác về phòng chống thiên tai năm 2019, phân tích dự báo và diễn biến tình hình thiên tai 6 tháng đầu năm 2020 để chuẩn bị phương án ứng phó cho mùa thiên tai trọng điểm 2020 tại khu vực Nam Bộ. Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai nhằm triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban bí thư về quán triệt đến các cấp ủy Đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phòng, chống thiên tai.

Hội nghị đã thảo luận, phân tích kỹ các kết quả cũng như hạn chế của công tác phòng, chống thiên tai năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, đồng thời đề ra các giải pháp thiết thực, chủ động ứng phó với các kịch bản bất lợi nhất có thể xảy ra trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển - Ảnh 1.

Sạt lở tại Cần Thơ.

Phát biểu tại Hội nghị, Bà Caitlin Weissen, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam chia sẻ về những hoạt động đã và đang thực hiện của UNDP nhằm hỗ trợ cho Chính phủ Việt Nam và các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các tỉnh phía Nam ứng phó với các tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Tiếp tục hỗ trợ đợt hạn hán xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long năm 2020, UNDP đã trao tặng 1.300 bình chứa nước và bộ dụng cụ vệ sinh cho nhân dân tỉnh Cà Mau và các tỉnh Nam Trung Bộ.

Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua đặc biệt: "Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn" giai đoạn 2020-2025, phong trào được triển khai trên phạm vi cả nước dành cho các tập thể, cá nhân tham gia công tác phòng chống thiên tai hoặc có lĩnh vực hoạt động liên quan đến phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, giảm 30% thiệt hại về người đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong giai đoạn 2015-2020; 100% lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai được đào tạo, tập huấn, phổ biến kỹ năng phòng chống thiên tai; chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm kinh tế xã hội; giảm tổn thất về người và tài sản của nhân dân và nhà nước.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW, Nghị quyết số 76/NQ-CP và Thông báo số 190/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến về công tác PCTT&TKCN năm 2020, trong đó tập trung vào các giải pháp trọng tâm: Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp theo quy định; củng cố, nâng cao năng lực cơ quan tham mưu các cấp; Rà soát, cập nhật, hoàn thiện phương án ứng phó thiên tai, nhất là phương án ứng phó với bão mạnh, lũ lớn. Rà soát, củng cố, hoàn thành việc triển khai xây dựng và hoạt động lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở.

Tăng cường lắp đặt thiết bị theo dõi, giám sát, cảnh báo thiên tai; Quản lý, giám sát chặt chẽ tổ chức vận hành các hồ chứa theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ trong theo dõi trực tuyến, tính toán phương án hỗ trợ ra quyết định. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn bằng nhiều hình thức phù hợp.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định bố trí vốn. Củng cố nâng cấp hệ thống đê biển, cầu, cống, đập ngăn mặn, đê bao chống ngập và kênh trục thủy lợi ở ĐBSCL; xác định các trọng điểm để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xảy ra, triển khai các biện pháp chủ động bảo vệ và xử lý ngay từ giờ đầu. Huy động các nguồn lực xã hội trong phòng chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát với các tàu cá có chiều dài trên 15m phục vụ thông tin, chỉ đạo điều hành trong mùa mưa bão

Nâng cao chất lượng công tác dự báo; quản lý khai thác nước ngầm, có giải pháp hạn chế sụt lún đất. Sử dụng hiệu quả Quỹ phòng chống thiên tai. Triển khai thu Quỹ, chi Quỹ cho hoạt động phòng chống thiên tai.

Ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác Quốc tế và hợp tác Mê Công trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng, chống lũ, lụt xuyên biên giới và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Trong năm 2019, tại khu vực miền Nam đã xảy ra 141 trận dông, lốc, sét; mưa lớn lịch sử tại Phú Quốc, Kiên Giang từ ngày 01 - 09/8/2019 với tổng lượng lên tới 1.173mm; triều cường vượt giá trị lịch sử tại TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ven biển khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, gió mùa Tây Nam gây sạt lở nghiêm trọng tại đê biển Tây Cà Mau; mặc dù đã giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 16 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng. Những tháng đầu năm 2020, hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, kéo dài từ cuối năm 2019 tại Đồng bằng sông Cửu Long vượt lịch sử năm 2016 cả về thời gian và mức độ đã làm trên 50.000 ha lúa bị thiệt hại, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020 xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020; lũ tại sông Cửu Long muộn và ở mức BĐ1-BĐ2.