Quay lại Dân trí
Dân Sinh

ĐB Quốc hội: Xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, trong khi giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu

(Dân sinh) - Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đánh giá, giáo dục nghề nghiệp những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo; Tuy nhiên, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, thêm vào đó, hiện nay đang có xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, ở một số địa phương hạn chế chỉ tiêu học văn hóa trong trường nghề, tổ chức đào tạo văn hóa cho học sinh. “Điều này trái với Luật Giáo dục”

Theo Chương trình làm việc, hôm nay (15/6), Quốc hội tiếp tục dành trọn cả ngày để thảo luận tại hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019.

ĐB Quốc hội: Xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, trong khi giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lao động - TB&XH Đào Ngọc Dung lắng nghe, ghi chép các ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại Nghị trường - Ảnh Hải Ninh

Kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn Thái Bình) tập trung toàn bộ bài phát biểu để đề cập sâu đến vấn đề giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề hiện nay.

Theo đại biểu, kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu. Đây không đơn thuần là giáo dục đào tạo để trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động mà đằng sau nó chính là vấn đề tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Nhấn mạnh những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, theo đó, đại biểu khẳng định, nhờ vậy, đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại biểu Thu Dung cho rằng, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tác động của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.

Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao nhưng như nhiều chuyên gia đánh giá lao động Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng mà chưa "vàng" về chất lượng.

Dự báo từ nay đến hết năm, thị trường lao động đang cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch Covid-19.

Viện dẫn một khảo sát, bà Dung đưa ra con số 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết họ rất khó tuyển lao động chất lượng.

Theo đó, đại biểu phân tích thêm, nhiều năm gần đây, Việt Nam có nhiều học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới, tuy nhiên theo bà Dung, "thành tích đó chưa phải là phổ biến".

Cùng với đó, năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, yếu tố kỹ năng đã tăng 4 bậc, trong đó điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc. "Kết quả trên đáng khích lệ", đại biểu tỉnh Thái Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nữ đại biểu nêu thực tế, lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ mới khoảng 24%, trong khi quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người.

Cùng với đó, là quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường.

ĐB Quốc hội: Xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, trong khi giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên họp

Xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều

Đáng nói, việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng đào tạo của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp.

Thêm vào đó, hiện nay đang có xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều, ví dụ ở một số địa phương hạn chế chỉ tiêu học văn hóa trong trường nghề, hạn chế trường nghề, tổ chức đào tạo văn hóa cho học sinh.

"Điều này trái với Luật Giáo dục", đại biểu Thu Dung thẳng thắn chỉ rõ.

Chưa kể, theo đại biểu, các chính sách đặt hàng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn đang rất thấp so với nhu cầu nhân lực tăng nhanh.

"Cho đến nay, ngân sách phân bổ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, nhất là kinh phí đào tạo nghề chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo.

"Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa đủ động lực để đầu tư vào lĩnh vực này", đại biểu đoàn Thái Bình nêu rõ những khó khăn cần khắc phục để giáo dục nghề nghiệp phát triển đúng tầm vóc cần có của nó trong bối cảnh cần đẩy mạnh tăng năng suất lao động.

Tăng năng suất lao động - đòn bẩy kinh tế then chốt

Do đó, đại biểu Thu Dung khẳng định, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, "là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia và hội nhập toàn cầu thắng lợi", đại biểu nhấn mạnh.

"Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp", bà Thu Dung nói.

Vì khi nhà doanh nghiệp và nhà trường có cùng mục tiêu, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là tất yếu. Vì vậy, theo đại biểu Dung, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để làm sao trong tương lai, nhà doanh nghiệp phải là người đầu tư chính, đồng thời dự báo, xác định nhu cầu của mình một cách rõ ràng, cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo.

Có như vậy, nhà trường sẽ chủ động trong công tác tuyển sinh, đổi mới chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với thị trường lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển và hoạt động của thị trường lao động, bảo đảm đồng bộ với các loại thị trường khác trong nền kinh tế thị trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung nhấn mạnh: Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.

Sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề

Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, nữ đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, phải tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp phải đưa ngay vào chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học theo chương trình 9+.

Thực hiện tự chủ toàn diện, chuyển đổi hoạt động của các cơ sở công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm , chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Đi liền với đó, là đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, tiếp tục thí điểm đào tạo cho sinh viên của các trường nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao và cấp bằng của nước ngoài.

Ngoài ra, đại biểu Dung cũng đưa ra khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), để chủ động về nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 và cách mạng 4.0, yêu cầu sống còn đối với mỗi doanh nghiệp là phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động.

"Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là giải pháp tạm thời trong thời khi có dịch, mà còn là chủ trương nhất quán lâu dài để đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo chuyển đổi ngành nghề cho phù hợp cho người lao động trong các doanh nghiệp, và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp tác đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp cho người lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ", đại biểu nói.

Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới với các chính sách và giải pháp đồng bộ.

"Được thực hiện một cách nghiêm túc, tôi tin rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đạt mục tiêu Chính phủ đề ra", đại biểu Thu Dung nhấn mạnh.