Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Để chính sách bảo hiểm y tế đồng hành với sức khỏe học sinh, sinh viên

(Dân sinh) - Đó là chủ đề chương trình giao lưu trực tuyến do Báo Nhân dân phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức vào ngày 16/9 tại Hà Nội nhằm cung cấp thông tin về chính sách bảo hiểm y tế dành cho đối tượng học sinh, sinh viên tới người dân. Điều này không chỉ có ý nghĩa chăm sóc sức khỏe cho thế hệ tương lai của đất nước, mà còn mang nhiều ý nghĩa với công tác an sinh xã hội, bảo đảm sự công bằng trong khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Phát biểu khai mạc chương trình giao lưu trực tuyến, Nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh, Trưởng Ban Nhân Dân điện tử cho biết, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh sinh viên có sự phát triển ổn định, tăng dần qua các năm. Hiện cả nước có khoảng 17 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 94,2%. Trong đó, có 12,4 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế tại nhà trường; 4,6 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế theo các nhóm đối tượng như người nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công và thân nhân công an, quân nhân, quân đội, cơ yếu… Như vậy, còn khoảng 6% nhóm đối tượng học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế, chiếm gần một triệu em.

Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên là hình thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn chưa có biện pháp chế tài xử lý cụ thể đối với nhóm học sinh, sinh viên khi không tham gia bảo hiểm y tế. Do đó, các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc học sinh sinh viên phải tham gia bảo hiểm y tế, dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Từ năm 2019, có nhiều chính sách mới về bảo hiểm y tế dành cho các đối tượng này như việc tăng mức đóng bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội cũng thực hiện chính sách phương thức đóng bảo hiểm y tế linh hoạt theo thời gian từ ba tháng đến một năm, tạo điều kiện cho các em tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với điều kiện kinh tế.

Tất cả những điều này sẽ có tác động ít nhiều đến mục tiêu bao phủ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Học sinh, sinh viên là những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ khi tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện bảo hiểm y tế đối với học sinh sinh viên là trách nhiệm bảo đảm sức khỏe đối với bản thân các em và sau đó là với cộng đồng, xã hội. "Chương trinh nhằm cung cấp những thông tin chính xác, giải đáp thắc mắc của độc giả về: chính sách bảo hiểm y tế dành cho học sinh, sinh viên. Cụ thể như: Học sinh, sinh viên được hưởng quyền lợi gì khi tham gia bảo hiểm y tế; Vai trò của nhà trường thế nào trong việc triển khai các chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên; Ngân sách Nhà nước và ngân sách các địa phương sẽ hỗ trợ các em học sinh, sinh viên như thế nào trong mua thẻ bảo hiểm y tế; liệu có nâng mức hỗ trợ cho đối tượng này khi mua thẻ bảo hiểm y tế hay không; Ngành Bảo hiểm xã hội có những biện pháp nào để đạt mục tiêu bao phủ 100% bảo hiểm y tế với học sinh, sinh viên…"- nhà báo Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Theo thống kê mới nhất (đến giữa năm 2018), toàn quốc có khoảng 17 triệu học sinh sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 94,2%. Số học sinh sinh viên chưa có bảo hiểm y tế đa phần thuộc các gia đình mới thoát nghèo nên ngân sách nhà nước không còn hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế; với đối tượng sinh viên, các em từ năm thứ 2 trở đi, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn thấp mà một trong những lý do chủ yếu là vì nhận thức. "Nếu học sinh không tham gia bảo hiểm y tế, nếu không may có vấn đề sức khỏe thì chi phí khám chữa bệnh sẽ rất lớn. Bởi vậy, nếu học sinh sinh viên nào chưa tham gia thì nên tham gia bảo hiểm y tế, vì mức đóng hiện nay không cao, chỉ bằng 4,5% tháng lương cơ bản, nhưng đã được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30%; còn lại, tùy điều kiện ngân sách địa phương cũng có thể có hỗ trợ tiếp tục" – ông Nguyễn Tất Thao cho hay.

Cũng theo ông Nguyễn Tất Thao, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế không đồng đều giữa các địa phương. Ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, đa phần đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao hơn so với một số tỉnh đồng bằng, thành phố.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham gia bảo hiểm y tế, ông Lê Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT thông tin: Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai Luật Bảo hiểm y tế vào cuộc sống, đặc biệt là trong trường học.

Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế của nhóm học sinh sinh viên rất cao, điều đó minh chứng cho nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục trong việc phối, kết hợp với ngành y tế, cũng như bảo hiểm y tế trong công tác truyền thông, vận động, triển khai thực hiện bảo hiểm y tế.

Từ Trung ương tới địa phương, sự phối hợp giữa ba ngành là rất khăng khít, thể hiện trong việc triển khai các chương trình phối hợp, văn bản hướng dẫn, công tác y tế trường học nhằm phòng chống các bệnh dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho giáo viên, học sinh; hướng dẫn việc trích trả bảo hiểm y tế tại cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nhà trường, học sinh, phụ huynh trong việc tham gia Bảo hiểm xã hội và bảo đảm quyền lợi của học sinh sinh viên.

Tại buổi giao lưu, các khách mời cũng chia sẻ nhiều giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ 100% bảo hiểm y tế tới học sinh sinh viên.