Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp kết quả giám sát về trẻ em

(Dân sinh) - Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 vừa diễn ra hôm qua (2/6), Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp kết quả giám sát về trẻ em cũng như triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em

Gói hỗ trợ an sinh: Các địa phương triển khai thận trọng và có trách nhiệm rất cao

Phát biểu tại phiên họp Thường kỳ của Chính phủ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sau khi bỏ giãn cách xã hội, sản xuất kinh doanh, kinh tế đất nước đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Thông qua đó, vấn đề việc làm, thị trường lao động cũng hoạt động sôi động trở lại. Đến thời điểm này đã có 70.000 lao động quay trở lại thị trường.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, tới đây thị trường việc làm sẽ còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt với bảo hiểm thất nghiệp riêng 5 tháng có tới 370.000 người đăng ký tăng 164% so với 5 tháng của năm 2019. Trong tháng 5, các doanh nghiệp đã cố gắng giữ chân người lao động, nhưng  đầu tháng 6/2020 một số doanh nghiệp lớn ở Bình Dương, Đồng Nai đã phải  cắt giảm, sa thải một số lao động do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, tình hình đã được kiểm soát….

Đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp kết quả giám sát về trẻ em  - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tới đây thị trường việc làm sẽ còn diễn biến rất phức tạp

Về vấn đề chuyên gia lao động nước ngoài, hiện chúng ta có 71.852 chuyên gia và người lao động nước ngoài và còn khoảng 21.000 người đang có nhu cầu trở lại Việt Nam làm việc. Hiện các doanh nghiệp, các tập đoàn đang thiết tha đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cho khoảng 8.200 người  nhập cảnh trở lại. "Qua rà soát cho thấy,  nhu cầu này là thực sự cần thiết. Tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 84 của Chính phủ là ưu tiên để khôi phục sản xuất, điều hành trở lại các dự án hợp tác quốc tế do vậy, số chuyên gia, lao động chuyên môn này cần ưu tiên cho nhập cảnh sớm. Bộ LĐ-TB&XH sẽ bàn kỹ với Bộ Ngoại giao, Bộ  Y tế để nới dần vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID, vừa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.", Bộ trưởng nói.

Về gói hỗ trợ an sinh, đến hết tháng 5/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách là 15, 8 triệu người được thụ hưởng và số tiền chi cho các đối tượng đến hết tháng 5 là xấp xỉ 20.000 tỷ đồng. Trong đó, trực tiếp hỗ trợ tiền mặt là 17,5 nghìn tỷ; có 1.158 doanh nghiệp đã được tạm dừng đóng hưu trí, tử tuất với 160.000  lao động với 391.000 tỷ đồng, bên cạnh đó là khoảng 2.500 tỷ chi trả tiền bảo hiểm thất nghiệp.

"Cơ bản cho đến nay, các địa phương triển khai thận trọng và có trách nhiệm rất cao, tuy nhiên có thể vì quá thận trọng, đặc biệt sau khi một số vụ việc xảy ra liên quan đến lập danh sách chưa đúng nên một số địa phương siết chặt các tiêu chuẩn, tiêu chí cho doanh nghiệp vay, thì các doanh nghiệp thực hiện rất khó, ví dụ tiêu chí doanh nghiệp thực sự khó khăn không có nguồn lương trả cho người lao động, thì mới được vay. Trong khi thực tế các doanh nghiệp, qua khảo sát của chúng tôi, họ nói nếu theo tiêu chí đặt ra như vậy "thì gần như chúng tôi phá sản, phải dừng hoạt động", Bộ trưởng cho biết.

Đề cập đến những sai phạm trong quá trình triển khai, Bộ trưởng cho biết, trên cả nước hiện nay, chỉ có 3 địa phương có xảy ra khúc mắc.Ví dụ như ở Hòa Bình có xã chi trả sai đối tượng. Ở Thanh Hóa có một xã đưa cả người nhà của Bí thư, Chủ tịch Mặt trận vào danh sách hộ nghèo. Vấn đề này, đã được phát hiện sớm ngay từ đầu khi mới đưa vào danh sách, chưa chi trả đã lập tức bị phát hiện và xử lý rất nặng về Đảng. Tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo dừng Đại hội Đảng bộ xã và đồng chí Bí thư không tham gia cấp ủy nữa, cả chủ tịch hội phụ nữ, đoàn thanh niên... Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Thanh Hóa đã phải triển khai rà soát lại danh sách hộ cận nghèo, hộ nghèo, đảm bảo việc chi trả phải đúng quy định.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu khi  để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em

Báo cáo trước Chính phủ về Tháng Hành động vì trẻ em 2020, Bộ trưởng cho biết, việc Quốc hội giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em được Quỹ nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF) đánh giá rất cao "UNICEF nói với tôi là duy nhất có Việt Nam thực hiện giám sát tối cao về trẻ em và duy nhất có Việt Nam có Nghị quyết giám sát về vấn đề này"

Đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp kết quả giám sát về trẻ em  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại lễ phát động Tháng Hành động về trẻ em 2020 (Ảnh: Mạnh Dũng)

Tháng Hành động về trẻ em 2020 đã chính thức được phát động với chủ đề "Chung tay phòng, chống bạo lực, phòng chống xâm hại trẻ em", Bộ trưởng đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp tháng này kết quả giám sát về trẻ em cũng như triển khai thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Trong đó,  2 vấn đề  cần đặc biệt quan tâm: Một là, khắc phục ngay tình trạng buông lỏng quản lý, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em. Thứ hai là cần sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phòng chống xâm hại trẻ em

"Trong Tháng Hành động trẻ em này, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cửa các trường học cho trẻ em vào sinh hoạt, vui chơi hè, vì các cháu không có chỗ vui chơi dịp hè. Các nhà văn hóa thanh thiếu nhi cũng mở cửa cho các em vào vui chơi, sinh hoạt, không để tình trạng mấy trăm nhà văn hóa  cứ khóa cửa suốt ngày, tinh thần phải là phải có chỗ vui chơi cho các em. Thứ hai là  tiếp tục quan tâm dạy bơi cho các em trong dịp hè, tránh tình trạng nước ta nhiều sông hồ, ao ngòi, trẻ em không biết bơi xảy ra tình trạng đuối nước. Thứ ba, cùng việc hướng dẫn các hoạt động vui chơi lành mạnh dịp hè cho các em, đề nghị Mặt trận Tổ quốc vào cuộc tham gia phòng chống xâm hại trẻ em", Bộ trưởng đề nghị.