Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề nghị điều tra vụ 83 giáo viên dạy lái xe sử dùng bằng, giấy tờ giả

Tổng cục Đường bộ đề nghị chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra xử lý đối với các trường hợp dạy lái xe ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

Thông tin trên Bảo vệ pháp luật, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có thông báo kết luận về nội dung tố cáo tại các trường dạy lái xe ở TP. Hồ Chí Minh, xác định có 54/68 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân giáo viên dạy thực hành tự mua qua mạng, nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.

Theo đó, Trung tâm dạy nghề lái xe (TTDNLX) Tiến Phát cả 5 giáo viên không đủ điều kiện là giáo viên thực hành. TTDNLX Hiệp Phát có 38 giáo viên sử dụng văn bằng hoặc chứng chỉ giả, không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Trường dạy nghề tư thục lái xe Thế Giới có 1 giáo viên không đủ điều kiện tham gia dạy thực hành lái xe. Trường dạy nghề tư thục lái xe Sài Gòn có 10 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.

Tổng cục Đường bộ cũng xác định có 29 giáo viên Trường dạy lái xe Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) làm giả các bằng cấp chuyên môn, bằng cấp sư phạm và giấy xác nhận của các trường để được duyệt cho đi thi để cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành. Ông Nguyễn Hoàng Dân - phụ trách nhân sự của trường Thống Nhất tự ý đi mua 24 giấy xác nhận giả của các cơ sở đào tạo để lập hồ sơ trình lãnh đạo nhà trường ký.

Đề nghị điều tra vụ 83 giáo viên dạy lái xe sử dùng bằng, giấy tờ giả - Ảnh 1.

Hàng chục giáo viên ở TP. Hồ Chí Minh dùng chứng chỉ sư phạm giả để dạy học lái xe.

Tổng cục Đường bộ đề nghị chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh điều tra xử lý đối với các trường hợp mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tổ chức họp chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Lập biên bản xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm; áp dụng hình phạt bổ sung "đình chỉ tuyển sinh từ 1 tháng đến 3 tháng". Thu hồi giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe sử dụng bằng giả.

Báo Người lao động đưa thông tin, bạn đọc Bui Chuong bàng hoàng viết: "Thầy như vậy thì làm sao dạy ra học trò cứng tay lái, những lái xe "non tay" này sẽ là mối nguy cao gây ra tai nạn giao thông". Bạn đọc Phạm Phương Thanh bổ sung thêm: "Trời ơi, biết tin vào cái gì bây giờ? Người dạy giả thì người học sao thiệt được, hèn chi ba cái vụ "xe điên" gây ra tai nạn giao thông lúc này xảy ra nhiều quá...".

Bạn đọc Nguyễn Đức Hoàng thắc mắc: "Thật là sốc quá, vì sao bây giờ cứ đụng đến bằng cấp thì người thật bằng giả tràn lan?". Bạn đọc Cường tâm tư: "Bằng giả nhưng tai nạn thì thật. Bây giờ sao lĩnh vực nào cũng có cái giả: hàng giả, bằng giả, trình độ giả, tin giả, số liệu giả... Mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp khắc phục vấn nạn giả "toàn tập" này".

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Hòa nêu ý kiến: "Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành có liên quan nên sớm thực hiện tổng kiểm tra đồng loạt các cơ sở dạy lái xe trên cả nước, các kiểu vi phạm kiểu "không thể ngờ" chắc chắn sẽ được phát hiện không phải là ít".

Đồng tình với quan điểm của bạn đọc Nguyễn Ngọc Hòa, bạn đọc Rose Phuc cho rằng: "Việc quản lý các cơ sở dạy lái xe quá lỏng lẻo sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, tai nạn giao thông ngày càng gia tăng một phần nguyên nhân là do từ lỗ hổng này. Đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ và xử lý hình sự nghiêm minh những trường hợp đã vi phạm, từ ông thầy đến những người phụ trách quản lý các cơ sở dạy lái xe".