Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất phương án giảm lãi suất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Là đơn vị đi đầu trong công tác tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo hoạt động đầy đủ các phiên giao dịch tại xã theo định kỳ để hỗ trợ nhu cầu vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 31/3/2020, các bộ ngành và Ngân hàng chính sách xã hội đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có nội dung hỗ trợ người sử dụng lao động được vay Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ 3 triệu lao động.

Đề xuất phương án giảm lãi suất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách - Ảnh 1.

Người nghèo vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội.

Ngân hàng chính sách xã hội đang phối hợp cùng các bộ, ngành ban hành các quyết định liên quan, xây dựng hướng dẫn cho vay, nhằm đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch. Cùng với đó, Ngân hàng chính sách xã hội đã báo cáo Hội đồng quản trị để trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm lãi vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu phương án được thông qua, từ 1/4 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm lãi vay 15% và các đối tượng chính sách ở các chương trình khác giảm 10%.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, toàn diện tới một số bộ phận lớn khách hàng vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, ngân hàng đã cho rà soát đánh giá mức độ thiệt hại đến các khách hàng vay vốn để thực hiện các biện pháp như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung để khôi phục sản xuất, hướng dẫn các khách hàng bị rủi ro do dịch đủ điều kiện xử lý rủi ro lập hồ sơ và đề nghị xử lý rủi ro do nguyên nhân khách quan theo quy định.

Tính đến 30/3, Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 40.034 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 1.394 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng tập trung nguồn vốn để cho vay giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống với số tiền là 11.973 tỷ đồng cho 275.415 khách hàng vay vốn. Hiện Ngân hàng chính sách xã hội đang quản lý trên 20 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 211.006 tỷ đồng (tăng so với năm 2019 là 4.201 tỷ đồng). Riêng 3 tháng đầu năm 2020, tổng doanh số cho vay đạt 18.723 tỷ đồng, số khách hàng còn dư nợ là trên 6,5 triệu khách hàng.

Nếu phương án điều chỉnh lãi suất dành cho người nghèo được thông qua, từ 1/4 đến hết năm 2020, hộ nghèo và các chương trình có lãi suất bằng hộ nghèo hoặc tham chiếu theo mức lãi suất cho vay hộ nghèo sẽ được giảm. Đây thật sự là tin vui dành cho hàng triệu người yếu thế trong xã hội. Bởi dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết người dân trong xã hội, trong đó, đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đặc biệt, đối với người nghèo và những người đang vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội với hy vọng nguồn vốn ưu đãi là "cần câu" để gia đình phát triển, ổn định an cư thì nay đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn nên được giảm lãi suất trong thời điểm khó khăn này là mong muốn của hàng triệu người.