Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đề xuất sửa chính sách để hạn chế sa thải lao động ngoài 35 tuổi

Theo phản ánh của cử tri tỉnh Bắc Kạn, hiện nhiều doanh nghiệp chủ yếu tuyển và sử dụng lao động tuổi 18-35, khi quá độ tuổi này bằng nhiều cách thức khác nhau doanh nghiệp đã chấm dứt hợp đồng, gây khó khăn cho lao động.

Thanh toán lương trường hợp bị sa thải Khi nào thì bị xử lý kỷ luật sa thải? Bị sa thải có được hưởng trợ cấp thất nghiệp? Bị sa thải khi mang thai, phải làm thế nào? Trường hợp nào áp dụng hình thức kỷ luật sa...

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan chức năng có cơ chế bảo đảm việc làm lâu dài, ổn định cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và bố trí nơi ở cho người lao động yên tâm làm việc.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khảo sát về vấn đề trên tại 16 tỉnh, thành phố, kết quả cho thấy việc chấm dứt hợp đồng lao động ở độ tuổi trên 35 tuổi chỉ chiếm 5-10% tổng số lao động nghỉ việc trong doanh nghiệp.

Tháng 5/2018, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các khảo sát tại một số doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương (bao gồm cả doanh nghiệp da giày, dệt may), tỷ lệ người lao động trên 35 tuổi đang làm việc tại doanh nghiệp trung bình là 65%, có doanh nghiệp trên 87,5%. Nhiều doanh nghiệp còn tuyển thêm hàng trăm lao động trên 35 tuổi.

Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật cũng như nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng lao động người lao động trên 35 tuổi cũng là một thực tế và ý kiến đại biểu, cử tri nêu cũng là một cảnh báo trong hoàn thiện chính sách và luật pháp về lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang khẩn trương thực hiện các công việc sau:

- Tổ chức rà soát, đánh giá các quy định hiện hành về tuyển, giao kết hợp đồng lao động và sử dụng lao động, nhất là lao động lớn tuổi và lao động nữ;

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động;

- Tăng cường công tác quản lý lao động, công tác thanh tra, kiểm tra bảo đảm các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về pháp luật lao động;

- Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng thỏa đáng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, duy trì việc làm, hạn chế sa thải lao động, nhất là các đối tượng dễ bị sa thải như lao động trung niên và lớn tuổi, đặc biệt là lao động nữ.

- Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước về duy trì việc làm cho người lao động lớn tuổi.