Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lao đao vì dịch bệnh Covid-19

(Dân sinh) - Cắt giảm nhân viên, cho lao động nghỉ việc luân phiên, thậm chí đóng cửa, không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch ở TP Đà Nẵng đang phải gồng mình trước những tác động tiêu cực từ dịch bệnh do Covid -19 gây ra.

TP Đà Nẵng sẽ xem xét việc miễn, giảm phí tham quan tại nhiều điểm vui chơi giải trí, khu danh thắng.

TP Đà Nẵng sẽ xem xét việc miễn, giảm phí tham quan tại nhiều điểm vui chơi giải trí, khu danh thắng.

Ảnh hưởng nặng nề

Toàn bộ tour tháng 3, tháng 4 bị huỷ, đã gần 2 tháng nay, Công ty Omega Tour Đà Nẵng phải xoay xở để có kinh phí duy trì hoạt động. Từ đầu tháng 3 đến nay, 50% nhân sự của Công ty đã bị cắt giảm, chỉ còn lại những bộ phận cần thiết để duy trì hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Omega Tour Đà Nẵng cho biết, vì không có tour nên hiện tại nhân viên của công ty cũng được bố trí làm luân phiên, 3-4 ngày/tuần và hưởng 50% tiền lương hàng tháng. Tuy nhiên, với việc không có lợi nhuận, hàng tháng vẫn phải chi hàng trăm triệu đồng để đóng bảo hiểm xã hội, lương nhân viên và duy trì hoạt động, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lao đao vì dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

Công ty Omega Tour Đà Nẵng đã phải cắt giảm 50% nhân sự do khó khăn vì dịch bệnh Covid -19.

Trước bối cảnh dịch bệnh do Covid -19, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, lữ hành là đối tượng chịu tác động nhiều nhất. Tại Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Cường Huỳnh, một doanh nghiệp chuyên hoạt động về lĩnh vực vận tải du lịch ở Đà Nẵng, hiện có hơn 60 tài xế, nhân viên thì hầu hết cũng đang phải nghỉ vì không có việc làm.

"Công ty có hơn 40 xe khách du lịch từ 16 chỗ ngồi trở lên, nhưng chủ yếu nằm bãi gần 2 tháng nay. Để "giữ chân" người lao động, hiện chúng tôi vẫn cố gắng trả lương cơ bản cho anh em, tuy nhiên nếu tình hình này kéo dài, chúng tôi sẽ rất khó khăn." - ông Nguyễn Huỳnh Cường – Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Cường Huỳnh nói.

Ông Nguyễn Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Omega Tour Đà Nẵng

  • Công ty đang phải gồng mình để duy trì hoạt động, nếu không sớm có sự hỗ trợ kịp thời thì dù có cố gắng cũng khó để duy trì khi tình hình này còn tiếp diễn.

Không chỉ kinh doanh vận tải du lịch bị ảnh hưởng, hai nhà hàng với sức phục vụ gần 600 khách mỗi ngày (chủ yếu khách Trung Quốc) của ông Cường cũng đã đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán đến nay vì Covid -19. Tổng thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi tháng.

Được biết, thực trạng này diễn ra ở hầu hết các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố. Doanh nghiệp gặp khó đồng nghĩa với việc cuộc sống của hàng loạt lao động, nhân viên bị ảnh hưởng.

N.V. Đ. hướng dẫn viên của một công ty lữ hành có tiếng ở Đà Nẵng cho biết, đã không đi tour 2 tháng nay.

"Từ sau Tết các tour của công ty bắt đầu bị huỷ, đến nay hơn 80% tour của các đoàn khách đều đã hủy do lo ngại dịch bệnh. Hàng trăm hướng dẫn viên cùng trong tình cảnh không có việc làm. Có người trước đây thu nhập 40-50 triệu đồng/ tháng, nay cũng "thất nghiệp" vì Covid -19."- Đ. chia sẻ.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, du lịch thành phố giảm thu khoảng 20.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19. Dự báo phải đến tháng 6/2020, thị trường du lịch mới có dấu hiệu phục hồi.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lao đao vì dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Huỳnh Cường vẫn duy trì trả lương cho tài xế, nhân viên dù xe đã nằm bãi gần 2 tháng nay.

Giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid -19, lãnh đạo UBND thành phố và đại diện các sở, ngành Đà Nẵng vừa có buổi đối thoại với các doanh nghiệp để lắng nghe những kiến nghị, đề xuất, cùng bàn giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Theo đó, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều mong muốn có những chính sách hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa trong thời điểm khó khăn này như hỗ trợ về tín dụng, giảm lãi, giãn nợ, gia hạn nợ, chậm nộp thuế và bảo hiểm xã hội.

Hiệp hội doanh nghiệp du lịch TP Đà Nẵng cũng cho biết, thời điểm dịch bệnh mới xảy ra tại Trung Quốc, hiệp hội này đã lên phương án để doanh nghiệp giảm tối đa thiệt hại. Tuy nhiên, từ khi Hàn Quốc công bố dịch thì mục tiêu của doanh nghiệp du lịch thành phố là làm sao để tồn tại, bởi hàng ngày đều có doanh nghiệp cắt giảm lao động, tạm ngừng hoạt động.

Vì vậy, trong bối cảnh khó khăn vì dịch bệnh, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng thì việc chính sách ấy sớm đi vào thực tiễn, kịp thời "cứu" doanh nghiệp là điều vô cùng cần thiết.

Ghi nhận những kiến nghị từ các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thiệt hại do dịch bệnh Covid -19 gây ra. Khi có chính sách của Trung ương, thành phố sẽ triển khai ngay để chính sách sớm đi vào thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Đà Nẵng: Doanh nghiệp dịch vụ, du lịch lao đao vì dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 5.

Dự báo phải đến tháng 6/2020, thị trường du lịch mới có dấu hiệu phục hồi.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố sẽ tạm hoãn tất cả các cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp nếu không cần thiết. Ngoài ra, thành phố sẽ xem xét việc miễn, giảm phí tham quan tại các điểm vui chơi giải trí, khu danh thắng do thành phố quản lý, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng cũng đã ban hành văn bản về việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid -19. Theo đó, UBND thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng sớm chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của các khách hàng, doanh nghiệp đang vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19. Tạo điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ ảnh hưởng bởi dịch và cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Đà Nẵng - điểm đến an toàn

Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid- 19.

Từ 13h30 ngày 5/3 đến 8h ngày 6/3, trên địa bàn TP Đà Nẵng ghi nhận 2 trường hợp người Việt Nam nghi ngờ mắc Covid-19. Đồng thời, cho ra viện 1 trường hợp người Séc nghi ngờ mắc Covid-19. Như vậy, TP Đà Nẵng hiện có 8 trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 đang được theo dõi tại các bệnh viện, bao gồm: 7 người Việt Nam, 1 người nước ngoài. Hiện tại sức khỏe của các trường hợp nghi ngờ đều tạm ổn và đang được theo dõi chặt chẽ.

Thành phố có thêm 1 mẫu xét nghiệm âm tính với Covid-19, nâng tổng số mẫu xét nghiệm âm tính với Covid-19 lên 169 mẫu. Không có trường hợp dương tính với Covid-19.

Ngoài ra, thành phố đang theo dõi tại cộng đồng 71 trường hợp. Tất cả đều có sức khỏe bình thường và có 1.044 trường hợp đang được theo dõi tại các khu cách ly tập trung. Trong ngày 5/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã giám sát 30 tàu bay, 2 tàu biển với 6.794 người nhập cảnh. Trong đó, có 210 người phải khai báo y tế.

Hiện, TP Đà Nẵng và hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam đang lên phương án công bố điểm đến an toàn.

Sở Du lịch TP Đà Nẵng cũng đề xuất UBND thành phố làm việc với các hãng hàng không để xúc tiến các đường bay từ các vùng chưa có dịch; tiến hành các chương trình kích cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch để thu hút du khách…

Được biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, TP Đà Nẵng có 23.000/35.000 lao động của các doanh nghiệp du lịch tạm thời bị mất việc làm. Trong đó, nhiều nhất là khối dịch vụ với khoảng 18.000 lao động; 4.000 hướng dẫn viên du lịch và hơn 1.000 lao động khối lữ hành.