Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đời chăn vịt chạy đồng

(Dân sinh) - Du cư nay tỉnh này, mai tỉnh khác là chuyện thường ngày ở ruộng của những người nuôi vịt chạy đồng. Cuộc sống bấp bênh đã vận vào họ như một cái nghiệp không dứt ra được.

Ăn bờ, ngủ bụi

Tây Nguyên vào đầu mùa mưa, chúng tôi trở lại "cánh đồng vịt" nổi tiếng thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Len lỏi giữa thảm lúa xanh - vàng đang ngập trong mùa nước nổi là những đốm trắng di động của những đàn vịt chạy đồng. Muốn sang trại vịt nằm phía bên kia con kênh lớn nước đang dâng cao, chúng tôi phải lụy một chuyến đò. Con đò tròng chành trôi theo dòng nước có thể lật bất cứ lúc nào, khiến chúng tôi không dám... thở mạnh.

Trong căn lều chỉ rộng chừng 3m, cao hơn 1m dựng từ tre và bạt, ông Nguyễn Văn Thanh, 51 tuổi (quê ở TP Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) - chủ đàn vịt hơn 8 nghìn con xởi lởi: Chăn vịt chạy đồng di chuyển khắp nơi, mai ở đây vài hôm lại đi chỗ khác nên căn lều cũng chỉ dựng tạm. Mới hôm kia, ông dựng lều ở cánh đồng xa phía trên nhưng do mưa lớn nước ngập mới phải bỏ lều, lùa vịt lên đây trú ẩn. Sinh ra trong gia đình 3 đời gắn nghề nuôi vịt nên từ năm 10 tuổi, ông Thanh đã "làm bạn" với tiếng vịt kêu cùng cảnh đồng không mông quạnh.

"Đời lang thang theo chân vịt cứ nay đây mai đó, có nhà cũng chẳng ở được bao nhiêu, suốt ngày ăn bờ, ngủ bụi với đàn vịt. Hành trang của họ mang theo chỉ vài bộ quần áo, xoong nồi, chén đũa, ít gạo, cá khô... gói gọn trong chiếc bao tải. Vịt đi tới đâu, người chăn cắm lều ăn ngủ ở đó". 

Đưa điếu thuốc lên miệng rít một hơi, mắt dõi xa xăm, ông Thanh trầm ngâm: Nghề nuôi vịt chạy đồng long đong lắm. Thức ăn chính của chúng là lúa còn sót lại sau thu hoạch hay các loại cá, ốc bươu vàng, trứng ốc... nên người nuôi cứ phải theo con vịt ra đồng. Mặc cho gió mưa, dông sét hay trời nắng "cháy da, cháy thịt", người chăn cũng không dám rời mắt khỏi đàn vịt. Bởi xung quanh luôn có những con chồn, chó… chỉ chút lơ là, vịt bị tấn công bất cứ lúc nào. Người chăn vịt suốt ngày lội dưới bùn, ngâm dưới nước bẩn nên thường bị các bệnh về da như ghẻ lở, nứt nẻ tay chân... Tối đến người chăn vịt phải nằm ngủ dưới đất, mùa nắng còn đỡ, mưa đến lạnh thấu xương.

Đời du mục trên những cánh đồng lúa - Ảnh 2.

Nghề chăn vịt chạy đồng

Hết thức ăn ở đồng này, người nuôi lại chuyển đàn sang vùng khác, gần thì trong tỉnh,  xa phải qua tỉnh khác. Nhìn đôi chân khô sạm, nứt nẻ, ông Thanh không nhớ mình đã băng qua bao nhiêu cánh đồng ở khắp các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nay lại ngược tít lên cao nguyên Đắk Lắk. Đời lang thang theo chân vịt nay đây mai đó, có nhà cũng chẳng ở được bao nhiêu, suốt ngày ăn bờ, ngủ bụi với đàn vịt. Hành trang của họ mang theo chỉ vài bộ quần áo, xoong nồi, chén đũa, ít gạo, cá khô... gói gọn trong chiếc bao tải. 

Vịt đi tới đâu, người chăn cắm lều ăn ngủ ở đó. Nhiều đêm nằm giữa đồng vắng, ông Thanh cảm thấy tủi phận, nhớ nhà, nhớ vợ, con da diết. Thứ ông Thanh cảm thấy thiệt thòi nhất là thiếu hơi ấm gia đình. Ông tự buồn rồi tự an ủi phải cố gắng vì gia đình.

Ông Thanh bảo: Nghề nuôi vịt "bạc" lắm, quanh năm bán mạng với sương gió mà thành quả thu về chẳng dư dả là bao. Liên tiếp 3 năm, (từ 2006 - 2008) ông Thanh mất sạch vốn liếng vì thua lỗ. Chán nản, ông bỏ nghề nuôi vịt sang lái xe kiêm buôn bán hàng hóa. Được 2 năm, ông lại quay về với nghiệp cũ. "Nghề nuôi vịt chạy đồng đã vận vào người như một cái nghiệp. Dứt ra lại thèm nghe tiếng vịt kêu, ngay cả cái mùi khó chịu của vịt, của rơm mục, của nước tù đọng cũng thấy nhớ. Vả lại, mình dành nửa đời đi chăn vịt, giờ sang nghề khác không hợp cho lắm". Hơn 30 năm theo nghề chăn vịt, tài sản ông Thanh có được là 1 vợ 2 con. Ông Thanh chấp nhận "hy sinh đời bố, củng cố đời con", cố kiếm tiền nuôi con ăn học để chúng không phải theo nghề vất vả của bố.

Đời du mục trên những cánh đồng lúa - Ảnh 3.

Cho vịt ăn

Nuôi vịt chạy đồng nhiều rủi ro

Vịt chạy đồng cho thịt thơm ngon, săn chắc, được thị trường ưa chuộng song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề nuôi vịt chạy đồng, anh Nguyễn Quốc Cường (39 tuổi, buôn Krang, xã Bông Krang, huyện Lắk, Đắk Lắk) đúc kết: "Nuôi vịt như đánh số đề. May mắn bán được giá cao, ít hao hụt, không dịch bệnh thì trúng lớn, còn không thì trắng tay. Tiền đầu tư nuôi vịt  cả trăm triệu đồng/lứa chứ đâu ít". 

Anh Cường kể: Người nuôi vịt chuyên nghiệp thường nuôi quanh năm, mỗi năm có 3 lứa, mỗi lứa lên tới hàng nghìn con. Để có đàn vịt chạy đồng, anh mua vịt con về nuôi nhốt cho cứng cáp. Giá vịt con tùy thời điểm dao động từ 15 - 20 nghìn đồng/con, tiền con giống ngót nghét vài chục triệu đồng. Trong thời gian nuôi nhốt tốn từ 1 - 2 triệu tiền thức ăn/ngày cho khoảng 1 nghìn con vịt. Nuôi được 1 tháng tuổi thì cho ra đồng "đóng đô", tận dụng lúa rơi rụng, ăn cá, tôm, cua… Muốn vịt được tự do lội đồng, chủ phải "bao" trọn gói cả cánh đồng rộng vài trăm héc ta, tức là trả cho chủ ruộng 10 nghìn đồng/sào/mùa. Năm nào mưa ít, đồng ruộng cạn nước sớm, người nuôi phải bỏ thêm tiền mua thức ăn hoặc thuê xe di chuyển đàn vịt đến cánh đồng khác, rất nhọc công và tốn kém.

Mắt dõi theo đàn vịt đang bơi lội dưới kênh, anh Cường cho biết: Vịt lấy thịt thì nuôi khoảng 2,5 - 3 tháng là xuất bán; nuôi lấy trứng thì tháng thứ 4 vịt bắt đầu đẻ. Nuôi 1 nghìn con, đến khi trưởng thành phải tốn chi phí đến 60.000 đồng/con và tỷ lệ hao hụt khoảng 10%. Nếu không bị dịch bệnh, trừ chi phí kiếm được hơn chục triệu đồng/lứa. Do đó muốn có lãi cao, anh Cường thường nuôi số lượng lớn, trung bình 1 lứa nuôi từ 5 - 10 nghìn con.

Đời du mục trên những cánh đồng lúa - Ảnh 4.

Vịt đẻ trứng

Tuy nhiên, đầu tư lớn chưa chắc đã được ăn, anh Cường nhớ lại thời điểm năm 2012 - 2013 giá thịt vịt giảm sâu, trứng vịt cũng bí đầu ra. Mỗi ngày, anh Cường lại chi 4 - 5 triệu đồng mua thức ăn cầm chừng cho đàn vịt. Cứ tưởng mọi cố gắng sẽ được đền đáp, ai dè dịch cúm A/H5N1 bùng phát, đàn vịt lăn chết như rạ chỉ sau một đêm khiến bao nhiêu vốn liếng, công sức bỗng chốc trắng tay. Gia đình anh phải bán xe, vay mượn khắp nơi để trả tiền mua thức ăn, thuốc men... và kiếm vốn để làm lại từ đầu.

Sau lần thất bại cay đắng, anh Cường rút ra kinh nghiệm là không quá rạch ròi giữa nuôi vịt lấy thịt hay trứng. Anh cứ nuôi tới khi trưởng thành được giá là bán ngay, tránh "đêm dài lắm mộng". Hơn nữa, thị trường tiêu thụ vịt bấp bênh, thay đổi liên tục khó nắm bắt. Như thời điểm này của năm trước, loại vịt mái đẻ (vịt nuôi lấy trứng nhưng không đạt năng suất) bán rất chạy, nhưng giờ anh có cả ngàn con bán giá rẻ cũng không có người mua.

Bao phen "bầm dập" với nghề nuôi vịt đồng, anh Cường vẫn không bỏ nghề. Anh tâm sự, nghề nào cũng vất vả và có đặc thù riêng nên phải bám nghề, yêu nghề mới có cái ăn. Suy nghĩ của anh Cường cũng là "triết lý sống" của những người du mục theo chân vịt. Họ gắn bó với nghề như định mệnh, là cái nghiệp,  không thể nói bỏ là bỏ được...