Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đồng Tháp xem xét mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng

(Dân sinh) - Chiều 28/7 UBND Đồng Tháp chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh này kiến nghị gửi Bộ LĐ-TB&XH xem xét mở rộng các nhóm ngành nghề ngoài Quyết định 15/2020/QĐ-TTg mà đơn vị đã xác định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đã có buổi làm việc với một số sở, ngành liên quan về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và xem xét hỗ trợ đối tượng ngoài Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gặp khó khăn do Covid-19 trên địa bàn.

Tính đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ĐồngTháp đã tổng hợp, phối hợp với các ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 223.508 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 224 tỷ đồng và đã chi hỗ trợ cho 215.943 đối tượng, với số tiền trên 217 tỷ đồng.

Song song với việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của các đối tượng, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã tiến hành tiếp nhận các nhóm đối tượng ngoài quy định theo 6 nhóm ngành nghề mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành, để xem xét trình UBND tỉnh.

Đồng Tháp: Xem xét mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp từ gói 62.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa làm việc với một số sở, ngành liên quan về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, SởLĐ-TB&XH xác định 4 nhóm đối tượng ngoài Quyết định 15/2020/QĐ-TTg gồm: Giáo viên và nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập và nhóm trẻ; người tự làm hoặc làm việc tại các cơ sở làm đẹp; người hướng dẫn viên du lịch tự do, giúp việc nhà; tự làm hoặc làm việc trong hộ kinh doanh karaoke, quán bar. Đây là những lao động bị giảm sâu thu nhập, ảnh hưởng nhiều hơn so với các ngành nghề khác trong thời gian thực hiện chủ trương giãn cách xã hội.

Đến nay, đã có 5.668 người đề nghị được hỗ trợ, trong đó có 707 giáo viên làm việc ở các trường tư thục; 3.827 người làm tại các cơ sở hớt tóc, làm móng, trang điểm; 826 lao động tự do, giúp việc nhà và 308 lao động làm cho các hộ kinh doanh karaoke, quán bar.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa ghi nhận sự nỗ lực các ngành, địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ, đồng thời đề nghị Sở LĐ-TB&XHcó văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XHxem xét các nhóm ngành nghề ngoài Quyết định 15/2020/QĐ-TTg mà đơn vị đã xác định, cũng như thẩm quyền quyết định hỗ trợ; đồng thời tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình chi hỗ trợ, quyết toán kinh phí tại các địa phương.