Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Dù dịch COVID-19 còn phức tạp, lao động vẫn không bị khan hiếm

(Dân sinh) - Theo báo cáo của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau Tết, mặc dù dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 (nCoV) còn diễn biến phức tạp, nhưng không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động. Cả nước có hơn 98% công nhân, người lao động đã trở lại làm việc.

Không khan hiếm lao động sau Tết dù dịch COVID-19 còn phức tạp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trao đổi với công nhân Công ty Alutec Vina (Thái Nguyên).

Ổn định sản xuất kết hợp với phòng dịch

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí như vậy khi cùng chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như tình hình lao động, sản xuất sau tết tại Thái Nguyên trưa 13/2.

Không khan hiếm lao động sau Tết dù dịch COVID-19 còn phức tạp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi nhanh với báo chí.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết qua kiểm tra, các doanh nghiệp, các địa phương Thái Nguyên nói riêng cũng như báo cáo nhanh từ 30/63 tỉnh, thành cho thấy các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ cũng như Ban chỉ đạo về phòng chống dịch đã thực hiện rất nghiêm túc, triệt để.

Trước tiên, chúng ta phải duy trì và làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch. Phòng, chống một cách quyết liệt nhưng không gây hoang mang và phải bảo đảm an toàn cho người lao động, bảo đảm tiến độ sản xuất. Các biện pháp đang được triển khai đồng bộ, kịp thời và nghiêm túc, đặc biệt phòng ngừa dịch.

Đối với các doanh nghiệp đang có lao động nước ngoài, nhất là lao động Trung Quốc, nên chủ động, chú trọng đào tạo kỹ thuật cho các công nhân bậc cao để kịp thời đối phó với sự thiếu hụt chuyên gia, cán bộ kỹ thuật khi dịch bệnh kéo dài.

Riêng với Thái Nguyên, đây là địa bàn dẫn đầu khu vực trung du, miền núi phía Bắc về số lượng trường cao đẳng, đại học; đồng thời là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, xứng đáng là trung tâm giáo dục của vùng. Bên cạnh đó, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tạo sự yên tâm trong nhân dân, người lao động về phòng chống dịch, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Lường trước các tình huống

Không khan hiếm lao động sau Tết dù dịch COVID-19 còn phức tạp - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra tình hình phòng, chống dịch và lao động, sản xuất tại Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên.

Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, qua khảo sát tại các doanh nghiệp, sau Tết, dù dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ LĐ-TB&XH có văn bản chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp tăng cường công tác phòng chống dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, qua đó ổn định sản xuất ngay từ đầu năm. Các doanh nghiệp đã chủ động rất sớm về lực lượng lao động, cũng như các chế độ đối với người lao động.

"Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, các doanh nghiệp phải chủ động ứng phó. Nếu dịch còn kéo dài, nguyên liệu đầu vào thiếu, chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi đó, có thể dẫn đến tình trạng một bộ phận công nhân phải nghỉ việc tạm thời hoặc là dịch chuyển sang những công việc khác. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH dự báo, biến động này không lớn, nhất là với lĩnh vực sản xuất có quy mô lớn. Tình trạng thất nghiệp có thể xảy ra ở khu vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như giày da, may mặc hay một số ngành nghề phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và những nước bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19", ông Đào Ngọc Dung cho biết.

Không khan hiếm lao động sau Tết dù dịch COVID-19 còn phức tạp - Ảnh 4.

Kiểm tra thân nhiệt ngay tại cổng vào của công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam bảo đảm sức khỏe cho người lao động.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH của 22/63 tỉnh, thành phố, có 8.773 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, lĩnh vực nông, lâm và thủy sản có 3.227 người (chiếm 36,8%); lĩnh vực cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải có 2.252 người (chiếm 25,7%); lĩnh vực vận tải, kho bãi có 1.121 người (chiếm 12,8%)... Còn lại một số ngành khác có lao động bị ảnh hưởng, nhưng số lượng không nhiều. Riêng về số lao động bị mất việc làm, tại 22/63 tỉnh, thành phố là 1.027 người, chủ yếu rơi vào lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến, chế tạo...