Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Đừng để tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"

(Dân sinh) - Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ lo ngại về bất cập trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền. "Những công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, nhưng khi xảy ra sự cố về người, tài sản thì mới vội vàng xử lý. Đây là tình trạng mất bò mới lo làm chuồng, nhất là trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng cơ bản", ông Hiền nói.

Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) chỉ ra nguyên nhân bất cập trong việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật. Theo đó, tinh thần kiến tạo, đổi mới của Chính phủ chưa được chính quyền cơ sở đề cao, còn các cơ quan, tổ chức thì đùn đẩy trách nhiệm.

Dẫn chứng tình trạng thiếu chặt chẽ trong quản lý nhà nước cũng dẫn đến nhiều hệ lụy, đại biểu tỉnh Nghệ An nêu ví dụ điển hình như vi phạm của Công ty Alibaba kéo dào trong 3 năm ở nhiều tỉnh thành, lôi kéo và gây thiệt hại cho hàng nghìn người nhưng chỉ khi người dân phản ánh, sự việc vỡ lở thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, xử lý.

Hay vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, sự cố nước sạch ở Tây Nam Hà Nội... cũng cho thấy những vấn đề trong quản lý nhà nước ở địa phương.

"Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của chính quyền", đại biểu Hiền nói.

Ngoài ra, ông cũng lưu tâm đến vấn đề tách nhập, thay đổi mô hình ở địa phương diễn ra liên tục nhưng chưa hiệu quả trong thời gian qua. Vị này bày tỏ mong muốn Chính phủ tập trung xử lý, nghiên cứu giải pháp phù hợp với từng lĩnh vực, địa phương.

Cháy nhà máy Rạng Đông, ô nhiễm nguồn nước: “Đừng để người dân phải chịu trách nhiệm vì sự tắc trách của chính quyền" - Ảnh 1.

Đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Bệnh viện tự chủ 100%: khó khăn trong việc giữ bác sỹ giỏi

Bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề tự chủ tại bệnh viện công lập, đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) khẳng định, việc thực hiện cơ chế tự chủ đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc. Theo đó, đại biểu chỉ ra 3 vấn đề, cụ thể:

Thứ nhất, các bệnh viện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên chưa được phân quyền tự chủ trong việc chi trả tiền lương dẫn đến khó khăn trong việc giữ các bác sỹ giỏi và có năng lực.

Thứ hai, việc thực hiện tự chủ đối với các bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt là khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn do người dân có mức sống chưa cao và khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế.

Thứ ba, quy định về tỷ lệ nhân viên y tế trên số giường bệnh đã không còn phù hợp. Theo đó, nữ đại biểu tỉnh Hòa Bình đề xuất Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về xã hội hóa, trong đó có nội dung về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập.

Đồng thời, đại biểu Bùi Thu Hằng mong muốn Bộ Y tế và các bộ liên quan tăng cường năng lực quản lý của lãnh đạo bệnh viện, nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai minh bạch trong quản lý.

Cũng liên quan đến môi trường hành nghề y tế, đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) bày tỏ quan ngại về mối nguy cơ hành hung, bạo lực tại các cơ sở y tế. Đại biểu dẫn số liệu từ năm 2010 đến năm 2017, có 22 vụ hành hung y, bác sỹ.

Trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sỹ, điều dưỡng.

Bà Nguyệt lo lắng: "Thật không quá khi đồng nghiệp của tôi nhận định rằng đây thực sự là một nghề nguy hiểm", theo đó bà Nguyệt cho rằng, cần tăng cường các biện pháp an ninh tại các vị trí có nguy cơ cao về mất an ninh trật tự.