Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Ðề xuất quan trắc độc tố tại đầu nguồn nước sông Ðà

Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đề xuất Nhà máy nước sạch sông Ðà khẩn trương áp dụng các thiết bị công nghệ mới với khả năng kiểm tra liên tục hàm lượng một số hóa chất độc hại trong nước trước khi đưa vào nhà máy, có chế độ tự chuyển sang báo động khi thiết bị phát hiện có hóa chất độc hại với hàm lượng vượt ngưỡng quy định.

Trao đổi với báo Tiền Phong, ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS) cho biết, sau khi khảo sát trực tiếp hiện trường vào chiều 16/10, chuyên gia của SOS đã phân loại khu vực ô nhiễm với mức độ khác nhau để lên phương án xử lý.

Theo kết quả khảo sát, đến chiều 16/10 tại suối Trầm, chảy ra kênh dẫn nước của nhà máy vẫn còn hiện tượng váng dầu mỏng nổi lên mặt nước, các chuyên gia nhận định do 2 nguyên nhân là dầu ngấm vào đất từ điểm khởi nguồn sự cố rò rỉ theo nước vào suối và dầu lắng đọng dưới bùn còn sót lại nổi lên khi người dân dẫm chân xuống lòng suối.

Lượng dầu này sẽ theo nước chảy tiếp tục bám dính vào phù sa lắng xuống đáy, khuếch tán trong nước. Trung tâm SOS dự kiến sẽ thu gom đất, bùn có mùi dầu, cỏ cây bám dính dầu trên suối Trầm chuyển về bãi tập kết để xử lý như chất thải nguy hại.

Ðề xuất quan trắc độc tố tại đầu nguồn nước sông Ðà - Ảnh 1.

Kênh đầu nguồn dẫn nước từ sông Ðà vào nhà máy Viwasupco, tỉnh Hòa Bình đề nghị bịt kín để đảm bảo an ninh nguồn nước. Ảnh: Trọng Ðảng

Bên cạnh đó sẽ bóc toàn bộ phần đất nhiễm dầu tại khu vực dầu đổ xuống suối Trầm và xúc hết phần đất đã bị nhiễm dầu đưa về nơi tập kết chất thải nguy hại. Riêng khu vực gần trạm bơm hồ Đầm Bài, dự kiến sẽ bơm hút toàn bộ sa lắng, lấy mẫu phân tích. Quá trình làm sẽ dùng vật liệu chuyên dụng nhằm thu hồi dầu có thể lẫn trong bùn sa lắng.

Bên cạnh đó, Trung tâm đề xuất thay đổi công nghệ kiểm tra chất lượng nước. Theo ông Sơn, hiện nay nhà máy chỉ có thiết bị kiểm tra liên tục 3 chỉ tiêu là độ đục, pH và nhiệt độ. Với chỉ tiêu khác thì lấy mẫu phân tích hàng tuần.

SOS đề xuất nhà máy khẩn trương áp dụng thiết bị công nghệ mới với khả năng kiểm tra liên tục hàm lượng một số hóa chất độc hại trong nước trước khi đưa vào nhà máy; có chế độ tự chuyển sang báo động khi thiết bị phát hiện có hóa chất độc hại với hàm lượng vượt ngưỡng quy định.

Ông Sơn cho biết, phương án trên cần phải trình lên cơ quan chức năng, nếu được phê duyệt, SOS sẽ phối hợp với phía Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà triển khai.

Theo ông Phạm Văn Sơn, sự cố này chỉ là một trong những sự cố dầu thải có thể xảy ra trên sông Đà nếu chúng ta không thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa.

Năm 2014, Chính phủ đã ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, quy định các địa phương phải xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố xăng dầu. Các cơ sở sử dụng xăng dầu sản xuất, vận tải, lưu chứa đều phải có kế hoạch ứng phó sự cố xăng dầu. Tuy nhiên, theo ông Sơn, các địa phương không có biển chưa quan tâm lắm đến vấn đề này dù trên thực tế có tới 25% các sự cố tràn dầu xảy ra trên đất liền.

Theo Vnexpress, trong kiến nghị được nêu trong báo cáo ngày 17/10 tỉnh Hoà Bình yêu cầu Viwasupco thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn nguồn nước, trong đó có việc sớm xây dựng kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy xử lý nước sạch.

Tỉnh cũng đề nghị Viwasupco không sử dụng hồ Đầm Bài để chứa nước trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện tại. Bởi hồ này quá rộng (69 ha) và diện tích lưu vực lớn (16 km2); hệ thống nhiều suối nhỏ dẫn nước vào gây khó cho việc bảo vệ vùng hồ và kiểm soát chất lượng các nguồn nước đổ về đây.

Viwasupco cũng cần có thêm phương án bảo vệ nghiêm ngặt nguồn nước, xây dựng các kịch bản ứng phó kịp thời với sự cố. Trường hợp không đảm bảo chất lượng nước đầu, công ty phải ngừng sản xuất ngay và báo cáo với cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.