Quay lại Dân trí
Dân Sinh

EU đóng cửa biên giới: Hàng hóa vẫn lưu thông, đảm bảo nguồn cung

(Dân sinh) - Quy định kiểm soát dịch bệnh của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận, việc EU tiến hành đóng cửa biên giới, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,… (mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tại thị trường EU) khả năng sẽ suy giảm.

Sức mua nông sản, thực phẩm vẫn duy trì

Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, EU trở thành tâm dịch của thế giới. Ngày 17/3, lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. Việc đóng cửa biên giới (closure of external borders) không phải là phong tỏa (lockdown).

Theo đó, những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày tới và có thể kéo dài nếu cần thiết. Còn việc di chuyển trong nội khối được cho phép nhưng sẽ chịu những hạn chế nhất định. 

Mục đích của quy định này là bảo vệ sức khỏe của công dân EU, đảm bảo sự đối xử phù hợp đối với những cá nhân có nhu cầu di chuyển và đảm bảo hàng hóa và các dịch vụ cơ bản có thể tiếp cận được.

Do đó, theo Bộ Công thương, quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU bởi lẽ quy định này chỉ áp dụng đối với hành trình di chuyển của các cá nhân; hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. 

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen nhấn mạnh: "Hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men…"

Xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ; cản trở việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế trong bối cảnh siết chặt cách ly để chống dịch. 

Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác, trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế. 

 Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng điện thoại, da giày, dệt may, … khả năng sẽ suy giảm. 

Tuy nhiên, bên cạnh dệt may, da giày… thì dự báo sức mua đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm vẫn có thể được duy trì. 

Xuất khẩu sang EU có thể giảm từ 6- 8%

Ba tháng đầu năm là chu kỳ giảm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU do có nhiều ngày nghỉ của cả hai bên. 

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp trong một số lĩnh vực chờ FTA Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực mới xuất hàng để được hưởng thuế quan ưu đãi cùng với dự báo tăng trưởng kinh tế của EU suy giảm như hiện nay, dự báo triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU tương đối thấp.

"Xuất khẩu quý I và quý II năm nay của Việt Nam sang EU dự báo có thể giảm từ 6- 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm", ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu- Châu Mỹ (Bộ Công Thương) dự báo.

Về nửa cuối năm 2020, cũng theo ông Tạ Hoàng Linh, tăng trưởng xuất khẩu có thể khả quan hơn do bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực. 

Do vậy, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh để có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp đồng thời có phương án chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại theo hướng tận dụng hình thức quảng bá trực tuyến, kết nối doanh nghiệp trực tuyến để duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm có thể nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc...

Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU tương đối lớn.

Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu qua đường biển đạt 20,5 tỷ euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ euro, đường sắt đạt 671 triệu euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,990 tỷ euro, 3,56 tỷ euro và 9 triệu euro.