Quay lại Dân trí
Dân Sinh

EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt sau "cú sốc" Covid-19

(Dân sinh) - Hội nghị phổ biến về EVFTA với chủ đề: “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19” sẽ diễn ra vào ngày mai 29/6 tại Hà Nội với dự tham gia của 400 khách mời là đại diện các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực.

Hội nghị lần này do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức. 

Với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã đàm phán ký kết, phê chuẩn và tổ chức triển khai, ta đã có khung khổ hội nhập hoàn chỉnh và toàn diện, đón bắt kịp thời với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho nền kinh tế nhằm chủ động ứng phó với những nguy cơ, tác động đang ngày càng phức tạp trên thế giới. 

Trong bối cảnh đó, các FTA thế hệ mới mà ta đã ký kết như CPTPP và mới đây nhất là EVFTA đều là “điểm nhấn” để hoàn chỉnh chiến lược hội nhập.

Hiệp định EVFTA, dự kiến, khi đi vào thực thi hiệu quả và thành công, sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên, đánh dấu cho giai đoạn mới trong hợp tác kinh tế thương mại quốc tế và gia tăng hợp tác giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.

Thông qua EVFTA, Việt Nam và EU thúc đẩy tự do hóa thương mại dựa trên các quy định minh bạch, công bằng sẽ gửi một tín hiệu tích cực đến cộng đồng quốc tế, tạo sự an tâm trong cộng đồng doanh nghiệp và từ đó góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của hai bên, đặc biệt sau dịch bệnh Covid-19.

EU28 là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới (chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu). 

Do vậy, mặc dù là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của nước ta, nhưng ta mới chiếm thị phần khoảng 2% trong tổng nhập khẩu của EU, như vậy cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản còn rất lớn khi gần như thuế quan đã được giảm về 0% khi Hiệp định có hiệu lực.

Tuy nhiên, tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào sân chơi lớn, cũng phải chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. 

Rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ. 

Dù Hiệp định EVFTA có ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như hồ tiêu, chè, rau quả..v.v… vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.  

Hội nghị phổ biến về EVFTA với chủ đề: "Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19" sẽ diễn ra vào ngày mai 29/6 tại Hà Nội với dự tham gia của 400 khách mời là đại diện các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, là dịp để trao đổi, khai thác được tối đa các ưu đãi từ Hiệp định (thuế quan, quy tắc xuất xứ..v.v..) và tận dụng được lợi thế sẵn có của các doanh nghiệp nước ta. 

Các vấn đề đặt ra với công tác tổ chức sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản... sang EU nhằm phát triển thị trường một cách bền vững; khả năng đáp ứng thị trường của hàng hóa Việt phù hợp với năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng trong bối cảnh hiện nay...