Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gần 1600 vụ xâm hại trẻ em mỗi năm

(Dân sinh) - Thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp…

Theo số liệu của Bộ Công an, năm 2017, cả nước có 1.592 vụ xâm hại trẻ em, với 1.757 đối tượng; 1.642 trẻ em bị bạo lực xâm hại, trong đó có 1.397 trẻ em bị xâm hại tình dục (chiếm 85% tổng số trẻ em bị xâm hại). Năm 2018, cả nước đã xảy ra 1.547 vụ xâm hại trẻ em (giảm 5% so với 2017); với 1.669 đối tượng; xâm hại 1.579 trẻ em bị xâm hại (giảm 4% so với 2017), trong đó 1.293 trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong 2 năm 2017 - 2018, toàn quốc xảy ra tới 2.643 vụ xâm hại tình dục với 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, số liệu thống kê tội phạm xâm hại tình dục trẻ em trong các cơ sở giáo dục vẫn chưa được đầy đủ. Thời gian gần đây, những vụ xâm hại tình dục học sinh đang xảy ra ngay trong chính trường học và xuất phát từ một số giáo viên gây tâm lý lo lắng cho phụ huynh, bố mẹ. Đơn cử, một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Khi vụ việc này chưa lắng xuống thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin "gạ tình" với một nữ sinh...

Gần 1600 vụ xâm hại trẻ em mỗi năm - Ảnh 1.

Hoạt động tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và xâm hại trẻ em diễn ra tại Trường Tiểu học Phương Liệt- quận Thanh Xuân (Hà Nội)

Về vấn đề bạo lực học đường đối với trẻ em, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học. Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau.

Bên cạnh đó, hình thức bạo hành trong nhà trường từ phía thầy, cô giáo đối với học sinh thể hiện qua các vụ việc được báo chí đề cập nhiều như: cô giáo bắt học sinh liếm ghế, thầy giáo đẩy học sinh ngã chấn thương, cô giáo cho cả lớp tát học sinh đến phải đi viện… làm dư luận hết sức bất bình. Thời gian qua, tình trạng vi phạm pháp luật, bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, làm ảnh hướng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Để bảo vệ trẻ em tốt hơn trong trường học, nguyên Cục trưởng Cục Trẻ em, Chủ tịch Hội đào tạo công tác xã hội Nguyễn Hải Hữu cho rằng, cần tăng cường sự tham gia của nhà trường; nâng cao nhận thức của trẻ em về quyền trẻ em, quyền được bảo vệ và các hậu quả của việc bị lạm dụng; đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy. Môi trường nhà trường cần mang tính hỗ trợ và an toàn đối với trẻ. Giáo viên cần phải được đào tạo và hỗ trợ trong việc sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực (không bạo lực).

Bên cạnh đó, thay đổi quan điểm rằng trừng phạt thể chất và tinh thần là cần thiết để nuôi dạy trẻ. Người chăm sóc nên có hiểu biết về những hình thức kỷ luật thay thế cho trừng phạt thể chất và tinh thần. Thay thế phương pháp quản lý hành vi của trẻ mà không dựa vào việc sử dụng trừng phạt thể chất và tinh thần. Bố mẹ nên là tấm gương tốt để con noi theo. Nên dạy trẻ cách cư xử đúng mực với thầy/cô giáo, hỗ trợ giáo viên trong việc sử dụng hình thức kỷ luật tích cực.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan đã tăng cường nhiều giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình trẻ em bị xâm hại trong thời gian qua vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. "Trước thực trạng xâm hại trẻ em nêu trên, bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, mạnh mẽ và phối hợp đồng bộ của toàn thể xã hội, bao gồm các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức hữu quan, gia đình và cá nhân và chính bản thân của trẻ em." , ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.