Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gần 7.500 lao động của Tổng công ty Vận tải Hà Nội phải nghỉ việc do Covid-19

Dịch Covid xảy ra khiến cả 4 lĩnh vực hoạt động bao gồm: Vận tải xe buýt; vận tải liên tỉnh; kinh doanh các điểm, bãi đỗ xe; kinh doanh đại lý ô tô của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) bị tác động mạnh. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải công cộng đang có khoảng hơn 7.000 lao động phải nghỉ việc.

Trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí ngày 9/4 về những ảnh hưởng của dịch Covid-19 tới hoạt động sản xuất của Tổng công ty, đại diện Transerco cho biết, dịch bệnh xảy ra khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Transerco cắt giảm mạnh và dừng hoạt động. Từ ngày 22/3/2020 đã cắt giảm 20% chuyến lượt (trên 1.000 lượt/ngày), từ ngày 27/3/2020 cắt giảm 80% chuyến lượt (trên 7.500 lượt/ngày) và từ ngày 28/3/2020 tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt.

Gần 7.500 lao động của Tổng công ty Vận tải Hà Nội phải nghỉ việc do Covid 19 - Ảnh 1.

Người lao động của Transerco bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Tương tự lĩnh vực dịch vụ điểm đỗ xe, bến xe khách liên tỉnh cũng bị sụt giảm 20 - 30%, lượng khách qua bến giảm mạnh từ 50 - 60%. Từ ngày 1/4/2020, tạm dừng toàn bộ hoạt động theo Chị thị số 05/CT-UBND của UBND Thành phố.

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hoạt động vận chuyển du lịch, hợp đồng cơ bản dừng hoạt động (ngoại trừ hợp đồng đưa đón công nhân khu công nghiệp với mức giảm khoảng 30% so với cùng kỳ), hoạt động vận tải liên tỉnh hầu như không có khách. Từ ngày 1/4/2020, các hoạt động đều tạm dừng trừ vận chuyển đưa đón công nhân. Các hoạt động thương mại dịch vụ giá trị gia tăng rất khó khăn trong quý I/2020 và dừng toàn bộ hoạt động từ ngày 1/4/2020 theo Chị thị số 05/CT-UBND của UBND Thành phố.

Trước những khó khăn về các hoạt động sản xuất kinh danh, từ ngày 28/3 đến 15/4/2020, Transerco đã sắp xếp cho gần 7.500 người lao động nghỉ việc. Đồng thời, bằng mọi nguồn lực của mình quyết định chi trả các chế độ chính sách cho người lao động đến ngày 15/4/2020 theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo ổn định nội bộ trong toàn Tổng công ty và sẵn sàng khôi phục sản xuất ngay sau khi kiểm soát được bệnh dịch.

Trong thông cáo, Transerco cũng đưa ra đề xuất, Thành phố Hà Nội có cơ chế hỗ trợ kinh phí chi trả, đảm bảo quyền lợi của người lao động (Thành phố có thể xem xét hỗ trợ 50% chi phí tiền lương cho khoảng 6.000 lao động lái xe, nhân viên phục vụ các phương tiện vận tải hành khách công cộng do phải ngừng việc). Đối với lao động trong các lĩnh vực kinh doanh (khoảng 1.500 người), Tổng công ty sẽ chủ động sắp xếp, xử lý theo đúng Luật Lao động.

Đề xuất Thành phố tạo điều kiện cho Tổng công ty tiếp cận, vay vốn lưu động không lãi suất để có đủ nguồn lực tài chính khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh khi hết dịch bệnh.

Thành phố cho phép giãn tiến độ, tạm hoãn nộp tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng năm 2020.

Chính phủ và các bộ, ngành sớm quyết định cơ chế ngừng đóng BHXH cho người lao động nếu thời gian ngừng việc của người lao động tiếp tục kéo dài do dịch bệnh.