Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt trên núi khô cằn

(Dân sinh) - Huyện Kông Chro nằm ở phía Đông của tỉnh Gia Lai và dãy Trường Sơn, theo tiếng địa phương có nghĩa là khu vực nhiều núi. Đây là địa phương có khí hậu khắc nghiệt, khô khan, đặc biệt là nguồn nước khan hiếm nên người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào canh tác các loại cây nông nghiệp ngắn ngày như mía, mỳ, bắp lai, dưa hấu, ớt... dẫn đến thu nhập không ổn định, nhất là thời gian gần đây, khi khu vực này luôn chịu cảnh đại hạn cũng như sâu bệnh hại nặng nề trên các loại cây truyền thống.

Chuyển đổi để thích ứng với thực tiễn

Huyện Kông Chro dù là nơi có con sông Ba chảy qua sông nhiều năm trở lại đây, ngoài thiên tai địch họa triền miên, nơi này còn phải chịu cảnh khan hiếm nước do hậu quả của các thủy điện ở phía thượng nguồn gây ra. Chính vì vậy, cấp ủy và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm khắc phục và ứng phó với tình hình thực tại. Một trong những địa phương đi đầu trong phong trào này là xã Yang Trung, nông dân nơi này đã mạnh dạn đưa nhiều loại cây trồng mới hiệu quả cao như na Hoàng Hậu, xoài, nhãn muộn, gấc, dừa xiêm lùn, chanh dây... vào canh tác để thay thế dần các loại nông sản kém hiệu quả.

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt ở dãy núi khô khan - Ảnh 1.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thích ứng với tình hình thực tiễn

Hơn 3 năm nay, kể từ khi cây na Hoàng Hậu (còn gọi là na Thái, na dai) bén rễ vùng đất này, nó đã từng bước khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Đến vườn trái cây của gia đình ông Vũ Văn Nhất ở thôn 9, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những quả na Hoàng Hậu to vật vã, cây nào cũng lúc lĩu trái. Theo lời gia chủ, gia đình ông sở hữu gần 8ha đất trồng các loại cây như na Hoàng Hậu, nhãn muộn, xoài, dừa xiêm lùn, mía và đậu đỗ... Riêng na Hoàng Hậu thì có 600 cây, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch được 2 năm. Theo ông Nhất, phần đất trồng na Hoàng Hậu trước đây được luân phiên canh tác mía, mì và đậu đỗ các loại nhưng hiệu quả sản xuất không cao do thiếu nước, sâu bệnh hại và giá cả bấp bênh. 

Năm 2016, sau khi tham khảo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhận thấy na Hoàng Hậu đang được phát triển ở nhiều địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân nên ông Nhất đã mạnh dạn cải tạo lại vườn, mang giống cây có tên gọi vương giả này về trồng thử nghiệm. Gia đình ông đã phải lặn lội vượt cả ngàn cây số vào tận tỉnh Bến Tre để tham quan, học hỏi kinh nghiệm cũng như mua cây giống. 

Nhờ được chăm sóc bài bản, đúng cách nên chỉ qua năm thứ hai, vườn na của ông Nhất đã cho quả ngọt. "Na Hoàng Hậu từ lúc xuống giống cho đến khi ra quả chỉ khoảng 2 năm, là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, ít đòi hỏi nước nên rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của vùng đất này. Trái na Hoàng Hậu ở đây khi chín có mùi thơm, vỏ màu vàng, da căng, mẫu mã đẹp, trọng lượng gấp từ 3 đến 5 lần so với na thông thường (trái nhỏ nhất đạt 300gr, lớn nhất là 1,5kg). Na Hoàng Hậu của gia đình tôi được bạn hàng đánh giá ngon không kém sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên thị trường nên đầu ra hiện rất ổn", ông Nhất phấn khởi cho hay.

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt ở dãy núi khô khan - Ảnh 2.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thích ứng với tình hình thực tiễn

Cũng trồng na Hoàng Hậu, hàng xóm của ông Nhất là hộ chị Vũ Thị Đào cho hay, gia đình có hơn 2ha đất trồng nhãn, gấc, chanh dây và na Hoàng Hậu. "Trước đây, riêng nhãn, gấc, chanh dây đã đem lại thu nhập cho gia đình mỗi năm hơn 220 triệu đồng song các loại cây này rất nặng công chăm sóc. Hai năm nay, thấy một số hộ trong vùng trồng na Hoàng Hậu mang lại thu nhập khá, lại nhẹ công nên gia đình đã cải tạo lại vườn để trồng 0,5ha loại cây mới này, hiện đã có quả. Tôi thấy việc đa dạng cây trồng, mùa nào thức ấy sẽ mang lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định. Ngoài ra, việc này còn gia tăng lợi ích kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích so với chuyên canh một loại cây, bởi nếu bỏ nhiều trứng vào cùng một rổ thì dễ bị rủi ro khi bị dội chợ", bà Đào tính toán.

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt ở dãy núi khô khan - Ảnh 3.

Hiệu quả kinh tế từ cây na Hoàng Hậu là mô điểm để địa phương nghèo này mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, thích ứng với tình hình thực tiễn

Nâng cao thu nhập bằng kỹ thuật cho quả trái vụ

Sau 3 năm na Hoàng Hậu bén rễ vùng đất này, nông dân ở đây cho rằng loại cây này chính là một hướng đầu tư rất có tương lai bởi nó đã hợp thủy thổ. Tuy nhiên, nhược điểm của nó là mùa chính vụ thường rơi vào tháng khoảng 5 hoặc tháng 6, đợt 2 thu hoạch vào dịp áp Tết Nguyên đán. Lúc này, loại trái cây này có rất nhiều trên thị trường nên giá không được cao. Chính vì vậy, ông Nhất đã mày mò tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ để cây cho thu hoạch vào thời điểm tháng 10. Theo ông, biện pháp để na ra quả trái vụ là cắt tỉa cành cho cây luôn được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới và bung hoa. Khi nụ hoa hé màu trắng thì ông tiến hành thụ phấn nhân tạo. 

Sau khi đậu quả, ông còn vài lần tiến hành loại bỏ quả lép, méo mó để cây tập trung dinh dưỡng nuôi những trái đạt chuẩn. "Tháng 10 năm nay, 300 cây na của gia đình tôi đã bắt đầu cho thu hoạch trái vụ. Trung bình na trái vụ có giá 47.000 đồng/kg, được thương lái đến cắt tại vườn, cao hơn nhiều so với chính vụ (từ 25.000 đồng/kg đến 37.000 đồng/kg). Đợt quả trái vụ này, 300 cây nhà tôi cắt được trên 2 tấn quả, thu nhập khoảng 95 triệu đồng, gần bằng hai đợt chính vụ năm ngoái (100 triệu đồng), trong khi vẫn còn 1 đợt thu nữa. Chính vì vậy, các vụ sản xuất tiếp theo, tôi sẽ tiếp tục xử lý cho cây ra quả trái vụ để tăng thêm thu nhập", 

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt ở dãy núi khô khan - Ảnh 4.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái

Gia Lai: Na Thái đậu trái ngọt ở dãy núi khô khan - Ảnh 5.

Gia đình ông Nhất thu hoạch na bán cho thương lái

Ông Nhất chia sẻ. Theo ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kông Chro, hiện nay, huyện có khoảng 624 ha cây ăn quả, riêng xã Yang Trung có hơn 91 ha. Tại thôn 9, có hơn 72ha cây ăn quả, trong đó na Hoàng Hậu là hơn 30ha. Thời gian qua, trước tình hình hạn hán nặng nề, dịch bệnh cây trồng hoành hành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân, trong đó đáng kể nhất là mô hình trồng na Hoàng Hậu của ông Nhất. Mô hình này được thị trường đánh giá rất cao, đã mở ra hướng đi mới để người dân chuyển đổi diện tích vườn tạp, vườn cây trồng kém hiệu quả cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. "Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện một số tiêu chí trong việc xây dựng nông thôn mới", ông Quốc cho hay.