Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gia Lai: Phát hiện thêm 8 ca dương tính với bệnh bạch hầu

(Dân sinh) - Ngày 23/10, Sở Y tế Gia Lai cho biết: Cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vừa ghi nhận thêm 8 ca dương tính với bạch hầu trên địa bàn, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 49 ca.

Thống kê đến thời điểm này toàn tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 49 ca dương tính với bạch hầu (2 ca tử vong) tại 21 xã thuộc các huyện Đắk Đoa, Ia Grai, Chư Păh, Mang Yang và TP Pleiku. Các địa phương ghi nhận ca bệnh bạch hầu vừa nêu đã được cơ quan chức năng khoanh vùng, lập các chốt kiểm soát, phun hóa chất khử khuẩn, khám sàng lọc và điều trị kháng sinh dự phòng cho người dân.

Theo Sở Y tế Gia Lai, các xã có ổ dịch đa phần ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, người dân chưa quan tâm đến công tác phòng bệnh. Đến nay, có 11 xã có ca bệnh bạch hầu thuộc huyện Đắk Đoa, Ia Grai và TP Pleiku đã hoàn thành công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho người dân và tiếp tục tổ chức rà soát, tiêm vét nhằm đảm bảo 100% người dân trong khu vực có ca bệnh được tiêm vắc xin.

Gia Lai: Phát hiện thêm ca dương tính với bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh gì? Bạch hầu là 1 bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch. Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu: Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae là nguyên nhân gây ra bệnh bạch hầu. Bệnh rất dễ dàng lây lan từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp. Hoặc lây gián tiếp khi tiếp xúc với đồ chơi, vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Kể cả khi người bệnh không biểu hiện triệu chứng của bệnh thì họ vẫn có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác sau khoảng 6 tuần, kể từ khi bắt đầu nhiễm khuẩn.

Vi khuẩn bạch hầu thường ảnh hưởng nhiều nhất đến mũi và họng. Một khi bạn đã bị nhiễm khuẩn, vi khuẩn sẽ giải phóng ra độc tố, độc tố này sẽ xâm nhập vào dòng máu, gây ra các lớp màng dày, màu xám ở:

● Mũi

● Họng

● Lưỡi

● Đường thở (khí quản)

Trong một số trường hợp, những độc tố do vi khuẩn tiết ra có thể gây tổn thương đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, não và thận. Do vậy, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng đe dọa tính mạng, ví dụ như viêm cơ tim, liệt hoặc suy thận.

Trẻ em thường được tiêm phòng bệnh bạch hầu từ khi mới sinh nên bệnh rất hiếm gặp. Tuy nhiên, ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin bạch hầu thấp thì bệnh vẫn có thể lây lan. Ở những địa phương này, trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi trên 60 tuổi là những đối tượng nguy cơ cao dễ mắc bệnh bạch hầu.

Những người sau đây cũng sẽ có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao hơn nếu:

● Không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch

● Đi du lịch đến một đất nước không tiêm chủng vắc-xin bạch hầu

● Bị các rối loạn miễn dịch, ví dụ như bị AIDS

● Sống trong điều kiện môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.