Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giá lợn hơi tăng kỷ lục, các thương lái lùng mua khắp vùng

Tại miền Bắc, giá lợn đã lập kỷ lục với mức 58.000 đồng/kg và tăng lên mức 52.000 đồng/kg tại phía Nam. Thậm chí, có nơi mức giá đã cán mốc 60.000 đồng/kg. Lợn khan hiếm, các hộ chăn nuôi ém hàng nên các tiểu thương nhỏ lùng mua khắp vùng.

Sau một thời gian dài giữ ổn định ở mốc 45.000 - 50.000 đồng/kg, mấy ngày đầu tháng 10, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tăng mạnh, thậm chí tăng từng ngày. Từ ngày 7/10, giá lợn hơi của Tập Đoàn Dabaco chính thức được niêm yết ở mức 59.000 - 60.000 đồng/kg tùy khu vực. Giá lợn hơi của Tập đoàn C.P cũng đã được chiều chỉnh tăng ở mức 57.000 đồng/kg. "Nương" theo giá lợn hơi của các tập đoàn lớn, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc tiếp tục tăng cao.

Giá lợn hơi tăng kỷ lục, các thương lái lùng mua khắp vùng - Ảnh 1.

Lợn hơi tăng giá nhưng ít người có lợn để bán.

Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, hiện không đáp ứng đủ nhu cầu, đơn hàng thịt lợn của thương lái, lò mổ. Bởi, sản lượng bán ra vẫn phải theo kế hoạch hàng ngày cũng như chỉ đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng cũ, với khách hàng mới lúc này vẫn phải chờ đợi và xếp hàng.

Trên thực tế, đến nay dịch bệnh đã phủ kín 63 tỉnh, thành phố, "cướp" đi gần 6 triệu con lợn kể từ khi Việt Nam công bố 2 ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 19/2 tại Hưng Yên và Thái Bình. Trong khi đó, các trang trại lớn, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn không dám tái đàn do lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại, gây thiệt hại lớn. Điều này khiến nguồn cung thịt lợn ngày càng khan hiếm. Chưa kể, thời điểm này đang là mùa cao điểm tiêu thụ thịt lợn nên giá càng tăng mạnh.

Các doanh nghiệp chăn nuôi dự báo, giá lợn những ngày tới tiếp tục tăng mạnh và sớm cán mốc 60.000 đồng/kg - mức giá cao chưa từng có. Đáng chú ý, giá lợn được dự báo rất khó giảm, sẽ duy trì xung quanh ngưỡng 60.000 đồng/kg trước khi tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới.

Theo các tiểu thương, giá lợn hơi sẽ neo ở mức cao vì hiện nay lợn trong dân đã hết, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn lại không tăng số lượng xuất ra. Có những hộ dân lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng nhưng vẫn ghim lại chưa bán, chờ giá lên thêm. Các doanh nghiệp cũng không xuất chuồng với số lượng lớn như trước, các khách hàng mới phải xếp hàng chờ đến lượt. Nhiều hộ kinh doanh tại các chợ dân sinh cũng dự đoán giá lợn hơi có thể sẽ nhanh chóng tăng cao và lập đỉnh mới, đặc biệt là vào những tháng cuối năm khi nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao, mức giá có thể tăng lên đến 65.000 – 67.000 đồng /kg.

Giá lợn hơi tăng phi mã nên giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội những ngày này có xu hướng tăng lên. Cụ thể, tại chợ Châu Long giá thịt mông lên 95.000 đồng/kg; thịt vai, ba chỉ, chân giò đều được điều chỉnh tăng lên mốc 100.000 đồng/kg, , sườn lợn giá 115.000 đồng/kg,... Theo các tiểu thương, do giá tại chợ đầu mối tăng mạnh nên thịt lợn tại chợ dân sinh cũng được tiểu thương điều chỉnh tăng theo.

Thực tế hiện nay, số lượng lợn thịt đến thời kỳ xuất chuồng không nhiều, trong khi dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang hoành hành trên cả nước khiến các gia trại chăn nuôi nhỏ lẻ chưa dám tái đàn. Lượng lợn hơi của các Tập đoàn lớn như C.P, Dabaco cũng chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu chế biến và cung cấp cho các khách hàng lâu năm của doanh nghiệp.

Dự báo, lượng thịt lợn sẽ thiếu hụt vào dịp cuối năm. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Business Consulting, ước tính quy mô đàn nái trên cả nước đã giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, ước tính Việt Nam có thể thiếu hụt 500.000 tấn thịt trước Tết Nguyên đán do nguồn cung chưa hồi phục.

Mặc dù Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định: Không lo người dân thiếu thực phẩm, bởi hiện tại nguồn thực phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy sản... đủ sức đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả lợn Châu Phi. Tuy nhiên, ở góc độ tiêu dùng, người dân cho biết: Thói quen ăn thịt lợn là văn hóa ẩm thực của người Việt Nam, nên về mặt lâu dài, người dân không thể dùng thịt gia súc, gia cầm để thay thế thịt lợn. Chưa kể, một số món ăn truyền thống ngày Tết như bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu... chỉ có thể làm từ thịt lợn mới đúng vị. Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thừa nhận, thị trường trong nước cũng có những dự báo giá lợn sẽ lên cao, thậm chí rất cao trong thời gian tới là hoàn toàn có cơ sở. Bởi nguồn cung lợn tại Việt Nam và các nước lân cận, nhất là lượng lợn từ Trung Quốc giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Bởi vậy, ngành chăn nuôi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp khống chế dịch tả lợn Châu Phi hiệu quả, nhanh chóng hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn thành công để có đủ thịt lợn đáp ứng nhu cầu của người dân vào dịp cuối năm. Ông Tiến cũng cho biết, hiện dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế. Tổng kết tiêu hủy lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi tháng 8 so với tháng 7 giảm 20%, so với tháng 5 tháng 6 giảm 35-40%. Đặc biệt, tín hiệu đáng mừng là trải qua 8 tháng dịch tả lợn châu Phi xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thích ứng, thích nghi được với dịch tả, giúp ổn định đàn lợn.