Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giá vàng chững lại và đi ngang

Giá vàng chững lại và đi ngang quanh mức giá 1.718 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng hơn 4,5 USD lên 1.730,5 USD/ounce.

Giá vàng chững lại và đi ngang - Ảnh 1.

Thị trường vàng trong nước ngày hôm qua (8/5), giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 47,900 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,200 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,950 triệu đồng/lượng (mua vào) và 48,420 triệu đồng/lượng (bán ra).

Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 270.000 đồng/lượng chiều mua vào và 220.000 đồng/lượng chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 46,16 – 46,66 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên đêm qua tại Mỹ tăng 33,9 USD lên 1.718 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 trên sàn Comex New York tăng hơn 4,5 USD lên 1.730,5 USD/ounce.

Trung Quốc có thể giảm lượng nắm giữ chứng khoán Kho bạc Mỹ trong những tháng tới để đối phó với những căng thẳng thương mại đang gia tăng và cuộc “đấu khẩu” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới về nguồn gốc của Covid-19.

Các báo cáo tin tức của Mỹ cho biết, các quan chức Nhà Trắng đang thảo luận một số biện pháp để bù đắp chi phí chống dịch Covid-19, bao gồm hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ khoản nợ gần 1,1 nghìn tỷ USD mà chính phủ Mỹ nợ Trung Quốc.

Bộ Tài chính Mỹ đang đứng trước nhu cầu tín dụng lớn chưa từng có khi chính phủ đang chi hàng nghìn tỷ USD để ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, với hàng triệu người mất việc làm và kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái sâu.

Báo cáo việc làm hàng tháng của Mỹ dự kiến được công bố ngày 8/5 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên tới 16% trong tháng 4. Con số này sẽ phá vỡ kỷ lục thất nghiệp 10,8% được xác lập sau Thế chiến II vào tháng 11/1982. Những con số có thể cho thấy dấu hiệu rõ ràng nhất về tác động của đại dịch với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Những con số tiếp tục củng cố nhận định của các nhà phân tích về khả năng phục hồi chậm từ suy thoái. Cùng với một loạt dữ liệu ảm đạm về chi tiêu tiêu dùng, đầu tư kinh doanh, thương mại… tiếp tục cho thấy một viễn cảnh tăm tối. Nước Mỹ vẫn đang trong tình trạng đóng cửa để hạn chế virus lây lan, yếu tố ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế.