Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giải mã sức mạnh của xà phòng - "lá chắn" vững vàng nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19

Suốt 5.000 năm lịch sử, con người đã sáng chế ra rất nhiều loại sản phẩm tẩy rửa khác nhau. Dù vậy, sự kết hợp đơn giản đến không ngờ giữa xà phòng và nước vẫn là một trong những thứ vũ khí mạnh nhất trong cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm, trong đó có chủng virus corona mới.

Thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, người dân vì quá hoảng sợ mà đổ xô đi mua đủ loại hóa chất tẩy rửa khác nhau, dù rất nhiều trong số đó không hề cần thiết hoặc không có tác dụng tiêu diệt virus. 

Nước rửa tay diệt khuẩn biến mất nhanh chóng khỏi các kệ hàng, kể cả những loại không chứa ít nhất 60% lượng cồn cần thiết để diệt virus. Tại những quốc gia có lượng người nhiễm Covid-19 cao khủng khiếp, hình ảnh nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ xịt khử trùng dọc các con đường hoặc bên trong từng tòa nhà đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hoài nghi độ hiệu quả của phương pháp này trong việc ngăn chặn sự lây lan của chủng virus corona mới.

Theo Jane Greatorex - chuyên gia virus học tại ĐH Cambridge, sử dụng hóa chất khử trùng “giống như dùng roi để đánh một con ruồi”. Nó có thể ăn mòn kim loại và gây ra các bệnh về đường hô hấp khác nếu hít quá nhiều theo thời gian.

“Với chất tẩy rửa, khử trùng, nếu bạn xịt nó trên một bề mặt có nhiều bụi bẩn, những bụi bẩn đó sẽ ‘ăn sạch’ các chất tẩy rửa, khử trùng”, Lisa Casanova - một nhà khoa học về sức khỏe môi trường tại ĐH bang Georgia. Thay vào đó, bà cùng nhiều chuyên gia khác khuyến cáo mọi người nên dùng các loại xà phòng nhẹ nhàng hơn, chẳng hạn xà phòng rửa chén, có thể dễ dàng làm sạch các bề mặt trong và ngoài nhà.

Giải mã sức mạnh của xà phòng - lá chắn vững vàng nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19: Vi khuẩn, virus cứng đầu nhất cũng phải đầu hàng - Ảnh 1.

Các bề mặt mà virus corona thường bám

Phương thức lây nhiễm chính của virus corona là từ người sang người khi họ tiếp xúc gần với nhau. Các tiếp xúc gần này có thể diễn ra dưới hình thức một cái ôm, một cái bắt tay hoặc bị kẹt trong một không gian công cộng đông đúc - nơi mà người mắc Covid-19 có thể lây bệnh bằng giọt bắn thông qua những cú hắt hơi hay ho.

Thế nhưng vì các giọt bắn này khá nặng, chúng sẽ dễ dàng rơi xuống các bề mặt. Chúng có thể tồn tại trên những bề mặt này đủ lâu cho tới khi có người chạm tay vào và đưa virus lên mắt, mũi và miệng của mình.

Tất cả các loại virus đều là những mã di truyền được bao bọc trong các phân tử protein và lipid - có thể bao gồm cả một lớp vỏ bọc chất béo (hay còn gọi là vỏ bọc virus). Việc tiêu diệt virus có màng bọc bao giờ cũng dễ hơn là loại không có màng bọc, chẳng hạn như norovirus - loại virus gây viêm dạ dày ruột có thể tồn tại nhiều tháng trên bề mặt. Thông thường, những loại virus có màng bọc chỉ có thể tồn tại trên các bề mặt trong khoảng vài ngày. Chúng cũng nằm trong số những loại virus dễ tiêu diệt nhất bởi một khi lớp vỏ mong manh bên ngoài bị phá vỡ, chúng sẽ nhanh chóng suy yếu. 

Tuy nhiên, mỗi loại virus có màng bọc lại có những đặc tính khác nhau. Do đó, các nhà khoa học trên khắp thế giới đang ráo riết nghiên cứu SARS-CoV-2 - tên chính thức của chủng virus corona mới này - để hiểu rõ cách thức hoạt động của chúng. Một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa New England đã tìm hiểu liệu phải mất bao lâu để có thể phát hiện virus tồn tại trên các chất liệu khác nhau. Dylan Morris - một nhà sinh học tại ĐH Princeton cho biết, nhiệm vụ của anh là tìm ra các bề mặt trong môi trường y tế tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân.

Giải mã sức mạnh của xà phòng - lá chắn vững vàng nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19: Vi khuẩn, virus cứng đầu nhất cũng phải đầu hàng - Ảnh 2.

Theo đó, họ đã phát hiện SARS-CoV-2 có thể tồn tại 24 giờ trên bìa các-tông, 2 ngày trên thép không gỉ và 3 ngày một loại nhựa cứng có tên là polypropylene. Loại virus này chỉ cũng có thể được tìm thấy trong 4 giờ trên đồng - một vật liệu kim loại có khả năng phá hủy vi khuẩn và virus. Ngoài ra, nghiên cứu này cũng tiết lộ rằng virus corona chủng mới và người anh em SARS của nó có thể tồn tại trên các bề mặt trong khoảng thời gian tương đương nhau

Những người đặt đồ trên mạng để tránh phải tới nơi đông người cũng có khả năng lây nhiễm nếu tiếp xúc với bìa các-tông. Dù vậy, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ đã nhấn mạnh rằng các bề mặt không phải là con đường lây lan chính của loại virus này.

Theo Morris, cách tốt nhất để phòng chống Covid-19 là lau sạch các đồ dùng cũng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của họ cũng có những hạn chế bởi họ nghiên cứu virus trong môi trường phòng thí nghiệm được kiểm soát chặt chẽ. Những không gian mà nhiều người chạm vào như lan can cầu thang hay cột bám trên xe buýt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Điều kiện môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ tới thời gian tồn tại của virus. Độ ẩm được cho là khiến các giọt bắn khó di chuyển qua không khí, còn tia cực tím thì có thể làm suy yếu virus.

Giải mã sức mạnh của xà phòng - lá chắn vững vàng nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19: Vi khuẩn, virus cứng đầu nhất cũng phải đầu hàng - Ảnh 3.

Xà phòng “hủy diệt” virus như thế nào?

Dù bạn chạm vào bề mặt nào, rửa tay bằng nước và xà phòng cũng là cách tốt nhất để loại bỏ virus corona đang bám trên tay bạn trước khi nó khiến bạn mắc bệnh. Theo chuyên gia Greatorex, loại virus này không thể xâm nhập qua da bạn bởi lớp bên ngoài cùng là môi trường axit nhẹ, giúp ngăn ngừa hầu hết các tác nhân bên ngoài.

Mọi người thường nghĩ xà phòng là chất dịu nhẹ, nhưng nếu nhìn từ quan điểm vi sinh vật học, nó có sức công phá rất lớn. Một giọt xà phòng hòa tan trong nước đủ sức giết chết vô số các loại vi khuẩn và virus, bao gồm cả SARS-CoV-2. Sức mạnh “hủy diệt” của xà phòng đều nằm trong cấu trúc lai của nó.

Xà phòng được tạo nên từ các phân tử có hình ghim, mỗi phân tử lại có các đầu ưa nước giúp liên kết với nước và một đuôi kỵ nước thường liên kết với chất béo. Những phân tử này khi gặp nước sẽ tồn tại dưới dạng các đơn vị độc lập, tương tác với các phân tử khác trong dung dịch và tập hợp lại thành các bong bóng nhỏ gọi là micelle - với đầu hướng ra ngoài và đuôi nằm bên trong.

Một số loại vi khuẩn và virus có màng bọc lipid giống như các micelle hai lớp với hai dải đuôi kỵ nước kẹp giữa hai vòng đầu ưa nước. Những màng bọc này được gắn với các protein quan trọng cho phép virus xâm nhập tế bào và giúp vi khuẩn sống sót. Các mầm bệnh có loại màng lipid này bao gồm: Virus corona, HIV, virus gây viêm gan B và viêm gan C, herpes, Ebola, Zika… 

Khi bạn rửa tay với xà phòng và nước, mọi vi sinh vật trên tay bạn đều bị “vây hãm” bởi các phân tử xà phòng. Đuôi kỵ nước của các phân tử xà phòng đang trôi nổi tự do này sẽ cố gắng tránh xa nước và trong quá trình đó, chúng sẽ va vào các màng lipid của virus và phá hủy virus.

Giải mã sức mạnh của xà phòng - lá chắn vững vàng nhất trong cuộc chiến chống lại Covid-19: Vi khuẩn, virus cứng đầu nhất cũng phải đầu hàng - Ảnh 4.

Cách xà phòng tiêu diệt virus (Đồ họa: Jonathan Corum và Ferris Jabr, Việt hóa: CafeF)

Theo GS Pall Thordarson - Trưởng khoa Hóa học tại ĐH New South Wale: “Chúng hoạt động như một cái gậy sắt và phá hủy toàn bộ hệ thống”. Sau khi màng bọc bị phá hủy, các protein quan trọng bên trong virus sẽ tràn vào nước, giết chết các loại vi khuẩn và khiến cho virus bất hoạt.