Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Giao toàn bộ người nghiện cho ngành LĐ-TB&XH như hiện nay là không ổn, quá tải và quá sức”

(Dân sinh) - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh điều đó tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội ngày 6/10 về Luật Xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi) liên quan đến xử lý hành chính với người 12 - 18 tuổi nghiện ma túy...

Theo Bộ trưởng, hiện chúng ta đang cai nghiện được khoảng gần 40.000 trong số 248.000 người nghiện. Đây là số có hồ sơ còn thực tế còn cao hơn nhiều. Hiện chúng ta đang thực hiện 3 mô hình cai nghiện: cai nghiện cộng đồng, cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc.

"Lẽ ra, chúng ta bàn Luật xử phạt vi phạm hành chính (sửa đổi) phải đồng bộ với việc sửa đổi Luật phòng chống ma túy thậm chí cả Luật phòng chống HIV/AIDS bởi nếu sửa 3 luật này đồng bộ thì rất tốt. Tôi cũng không muốn đưa vấn đề xử lý trẻ em 12-18 tuổi vào Luật Xử phạt vi phạm hành chính mà lẽ ra nên đưa vào Luật phòng chống ma túy thì tính nhân đạo, tính giáo dục răn đe sẽ cao hơn, ý nghĩa hơn. Trong Chính phủ tôi cũng đã đề xuất các luật này nên sửa đồng thời nhưng rất tiếc chúng ta không làm được, thành thử lại cắt khúc thế này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, về tổng thể, công tác phòng chống ma túy và xử lý vi phạm hành chính cũng được tăng cường ở cả 3 phương diện: trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trong quản lý nhà nước và trong việc cai nghiện, giáo dục, tạo công ăn việc làm và hỗ trợ tại cộng đồng. Tuy nhiên hiệu quả trong chừng mực nào đó còn rất hạn chế. Tình trạng vi phạm pháp luật pháp luật do nghiện ngập, tình trạng xử lý vi phạm hành chính cũng ngày càng gia tăng. Mà tiềm ẩn vấn đề này chính là mất an toàn ở nhiều địa bàn.

"Bây giờ xu hướng là chuyển từ sử dụng ma túy đơn thuần như heroin sang ma túy tổng hợp là chủ yếu. Tình trạng ngáo đá, mất khả năng kiểm soát, hướng thần, ảo thanh, ảo giác hầu hết là loại này. Mà các chất nghiện bây giờ rất nặng, chủ yếu là ở biên giới sang rất nhiều, khi "bập" vào cái này thì khả năng kiểm soát của con người hầu như không có. Đối tượng cũng rất đa dạng, không chỉ ở người  lớn mà xu hướng ngày càng trẻ hóa. Cho nên bây giờ đáng ngại nhất chính là lứa tuổi từ 12-18.", Bộ trưởng nói.  

“Giao toàn bộ người nghiện cho ngành LĐ-TB&XH như hiện nay là không ổn, quá tải và quá sức” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý người nghiện

Do đó, theo Bộ trưởng, với nhóm người từ 12 - 18 tuổi nghiện ma túy, chắc chắn phải có biện pháp quản lý và nên theo quy định tại dự thảo luật

Thứ nhất là nhóm người chưa sử dụng ma túy đá thì tiếp tục thực hiện phương châm cai nghiện tại cộng đồng và cai tại gia đình. "Tôi thấy một số nước họ "cột" trách nhiệm của gia đình rất lớn. Nếu như con cái nghiện thì gia đình phải chịu trách nhiệm quản lý, xảy ra điều gì thì cha mẹ phải chịu trách nhiệm chứ không đổ hết cho xã hội được. Yếu tố môi trường tác động rất lớn, tôi minh chứng một trường hợp, một cậu thanh niên ở Hưng Yên rất có ý chí trong cai nghiện, thậm chí anh ta tự xích chân mình vào gầm giường. Ở trong làng thì yên tâm nhưng cứ rời làng, lên xe buýt là được "phát sóng ngắn" và tái nghiện. Vừa rồi, tôi tổ chức gặp mặt hơn 300 người đã cai nghiện ma túy thành công, thậm chí có những người nghiện hơn 20 năm nhưng giờ đã cai được, trở thành ông chủ và tạo việc làm cho vài trăm người. Qua đó có thể thấy, cai nghiện được là cực kỳ khó khăn, ngoài ý chí ra thì quan trọng nhất là môi trường, yếu tố này rất quan trọng. Do đó tôi đề nghị, thứ nhất là phải tiếp tục kiên trì 3 loại hình cai nghiện và  gắn trách nhiệm cùa gia đình"

Thứ hai, đối với những trường hợp có nơi cư trú ổn định và chưa đến mức độ nghiện quá nặng thì phải tập trung cai nghiện cộng đồng chứ không thể đủ cơ sở để có thể thu nhận hết được người nghiện để cai tập trung được. "Hơn 100 cơ sở cai nghiện ma túy của chúng ta hiện nay đều quá tải, mà số này thì đến 90% cơ sở cai nghiện là các cháu sử dụng liều lượng cao đặc biệt là các tỉnh miền Tây, trên 90% là ma túy đá, 35-45% là có tiền án tiền sự. Mấy ông giám đốc Trung tâm có nói vui với tôi là "đêm phải canh cho họ thức, ngày phải canh cho họ ngủ" mà lúc nào cũng nơm nớp sẵn sàng mất chức. Quản lý một người nghiện đã khó, một người mà quản lý 20-30 người nghiện mà hơi tí là họ gây sự, trong khi tất cả những người quản lý trong cơ sở cai nghiện không được sử dụng công cụ hỗ trợ, chỉ bằng vận động, thuyết phục"

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, chúng ta cũng cố gắng giải quyết vấn đề này bằng nhiều cách. Luật phòng chống ma túy đưa người nghiện ma túy vào đối tượng người bệnh là tiếp cận theo hướng nhân văn, theo thông lệ quốc tế nhưng người bệnh khi chữa bệnh thì cũng phải thực hiện nguyên tắc chữa bệnh và phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. "Kinh nghiệm cho thấy tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng thì mới ổn, chứ giao toàn bộ cho ngành LĐ-TB&XH như hiện nay là không ổn, quá tải và quá sức.", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và đề nghị:

Thứ nhất, riêng với đối tượng 12-18 tuổi, khi chưa sửa Luật phòng chống ma túy thì phải áp vào Luật này theo phương châm chúng ta đặt vấn đề là quyền con người, đảm bảo quyền cho trẻ em và chỉ áp cho những trường hợp không có gia đình, không có nơi cư trú ổn định, còn những em có gia đình, có nơi cư trú thì phải vào cơ sở giáo dưỡng hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em.

Thứ hai hiện tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy đều quá tải, về nguyên tắc là phải phân khu, khu bắt đầu vào để làm thủ tục riêng, khu kiểm tra ban đầu riêng, khu cai nghiện riêng. Thế nhưng chúng ta hiện nay do cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu thành thử hầu như các cơ sở đều là một khu, rất dễ xảy ra những mâu thuẫn và hệ lụy. "Vì vậy, tôi đề nghị các địa phương không nên chỉ vì trong sạch địa bàn của mình mà tìm cách "đánh mạnh"  để họ chạy đi nơi khác hoặc đưa hết vào cơ sở cai nghiện ma túy. Phải thống nhất quan điểm như vậy, nếu không, các cơ sở cai nghiện ma túy khó có thể trụ vững trong hoàn cảnh hiện nay", người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.