Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giáo viên quản lý cảm xúc, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong nhà trường

(Dân sinh) - Ngày 19/5, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam khởi động Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc tư vấn hỗ trợ giải tỏa căng thẳng tâm lý cho giáo viên”.

Giáo viên quản lý cảm xúc, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong nhà trường - Ảnh 1.

Khởi động Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc tư vấn hỗ trợ giải tỏa căng thẳng tâm lý cho giáo viên”.

Theo đó, đề án sẽ được thực hiện trong 2 năm (2020 - 2021) với 4 giai đoạn chính. Trước tiên là khảo sát, đánh giá thực trạng phân loại mức độ căng thẳng của giáo viên; từ đó thiết kế một số giải pháp về y tế, tâm lý. Đề án sẽ xây dựng phần mềm, ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin để hỗ trợ, tư vấn trực tuyến cho giáo viên. Giai đoạn còn lại là tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn, hỗ trợ giáo viên cho đội ngũ cán bộ công đoàn toàn ngành.

Thông qua Đề án, cán bộ, nhà giáo, người lao động sẽ tiếp thu những kiến thức cơ bản, biết cách tự nhận diện, ứng phó, xử lý ở mức độ căng thẳng tâm lý nhẹ và nhận được tư vấn cần thiết khi mức độ căng thẳng cao hơn. Đề án sẽ giúp giáo viên có khả năng quản lý cảm xúc, góp phần giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong các nhà trường, thông qua phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết, 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo, người lao động ngành Giáo dục đang thực hiện nhiều nhiệm vụ, yêu cầu trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết 29-NQ/TW.

Bên cạnh những nỗ lực đáng kể của toàn ngành, thời gian qua, đã xảy ra một số sự việc đáng tiếc như giáo viên ứng xử không đúng mực."Nguyên nhân cơ bản là giáo viên bị rơi vào trạng thái căng thẳng trong thời gian dài mà không biết cách giải tỏa, thiếu kỹ năng ứng xử, kiềm chế cảm xúc, cũng như thiếu sự tư vấn kịp thời", bà Hợp nhận định.

Trước thực tiễn đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam triển khai Đề án về chăm sóc sức khỏe cho giáo viên, hướng đến nâng cao chất lượng sống cũng như chất lượng công việc.

Từ góc độ chuyên gia, TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai phân tích, xã hội càng phát triển, yêu cầu từ học sinh, phụ huynh càng cao, khiến thầy, cô giáo luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Ngoài ra, còn có áp lực từ hội đồng giáo dục nhà trường, ban giám hiệu, nhóm khối lớp,… Đặc biệt, thầy, cô giáo cũng là những cá thể trong đời thường nên đồng thời chịu áp lực từ gia đình, xã hội.

Giáo viên quản lý cảm xúc, giảm thiểu các hành vi tiêu cực trong nhà trường - Ảnh 2.

Giáo viên khó tránh khỏi những áp lực, căng thẳng, kể cả với người biết cách kiểm soát, cân bằng tâm lý cá nhân.

Theo PGS. TS Trần Thu Hương, Khoa Tâm lý học (Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQGHN), áp lực dẫn tới căng thẳng, biểu hiện như suy giảm trí nhớ, đau đầu, rụng tóc, mất ngủ, rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp, tổn thương tim, suy giảm hệ miễn dịch,… Căng thẳng làm giảm mức độ hài lòng với công việc, chất lượng cuộc sống, phá vỡ các mối quan hệ, các tiểu hệ thống trong nhà trường, ảnh hưởng trực tiếp đến học trò và chất lượng dạy - học.

Đại diện công đoàn giáo dục tỉnh, thành phố, bà Trần Thị Thu Hà - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Hà Nội đánh giá cao ý nghĩa của Đề án, đồng thời, cam kết Công đoàn Giáo dục Hà Nội sẽ tích cực tuyên truyền, triển khai, sẵn sàng xung phong tham gia Đề án.

Cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) cho rằng, giáo viên khó tránh khỏi những áp lực, căng thẳng, kể cả với người biết cách kiểm soát, cân bằng tâm lý cá nhân. "Tôi mong mỏi Đề án sẽ xây dựng được kênh tư vấn hữu hiệu, để chúng tôi có thể mạnh dạn bộc lộ lo âu, căng thẳng của mình, được lắng nghe và biết cách lấy lại cân bằng trong cuộc sống, công việc", cô giáo chia sẻ.