Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ

Ngày 12/9, tại Hà Nội, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo “Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đồng chủ trì hội thảo.

Cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ

Hội thảo nhằm đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề trẻ em tự kỷ, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hỗ trợ trẻ em tự kỷ cho cha mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và cộng đồng. Đồng thời, góp phần xây dựng thực hiện chính sách, biện pháp hỗ trợ can thiệp cho trẻ em tự kỷ theo Luật Người khuyết tật.

Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đồng chủ trì hội thảo.

Tại Việt Nam, chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ. Nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ và thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Từ năm 2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Trong 3 năm (2016 - 2018), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ 2,2 tỷ đồng để tổ chức lớp học phục hồi chức năng cho 220 cháu tự kỷ tại các trung tâm can thiệp.

Dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với các chuyên gia, được Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận tài trợ. Trên cơ sở nội dung thảo luận về thực trạng vấn đề trẻ tự kỷ, dự án đã xây dựng bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Sau 2 lần được Hội đồng thẩm định Trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội góp ý, nghiệm thu, bộ tài liệu tiếp tục được hoàn chỉnh và Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội cấp phép xuất bản và phát hành. Bộ tài liệu có nội dung phong phú, hữu ích, được in ấn đẹp, hấp dẫn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá, đây là sự kiện có giá trị nhân văn và khoa học sâu sắc. "Sự ra đời của bộ tài liệu có ý nghĩa và giá trị thiết thực, cung cấp các kiến thức và kỹ năng cơ bản về rối loạn phổ tự kỷ. Đồng thời, giới thiệu cách nhận biết các dấu hiệu, phương pháp can thiệp và xây dựng, thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ tự kỷ. Bộ tài liệu giúp các phụ huynh có cách nhìn thống nhất, hiểu đúng về trẻ tự kỷ, từ đó định hướng cách hỗ trợ tốt nhất cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ - Ảnh 2.

Các em nhỏ đang học tại Trung tâm Nuôi dạy trẻ tự kỷ biểu diễn văn nghệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, thông qua giáo dục, rèn luyện và sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường, các trẻ tự kỷ có thể tiến bộ. Những trẻ tự kỷ cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để trẻ có cơ hội hòa nhập xã hội và thành người có ích.

Cẩm nang dành cho những người chăm sóc trẻ tự kỷ

Tại hội thảo, đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã công bố bộ tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Theo đó, Bộ tài liệu gồm 2 cuốn sách: Tài liệu tự kỷ dành cho giáo viên, nhân viên kỹ thuật, can thiệp có 7 phần với định hướng biên soạn giúp nhà chuyên môn có hiểu biết, hỗ trợ và đáp ứng phù hợp với các giai đoạn chính trong "vòng đời" tự kỷ, giải đáp những thắc mắc phổ biến về tự kỷ (thuốc, dinh dưỡng, giấc ngủ…) và bước đầu định hướng thực tiễn can thiệp bằng các phương pháp có căn cứ khoa học theo xu thế chung của thế giới. Tài liệu tự kỷ dành cho cha mẹ và người chăm sóc có 3 phần gồm các nội dung: Hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, những việc cha mẹ cần làm sau khi có kết quả chuẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp các lĩnh vực cơ bản và quản lý hành vi cho trẻ em rối loạn phổ tự kỷ.

Giới thiệu tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ - Ảnh 3.

Trưng bày tài liệu hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam.

Bộ tài liệu là kết quả của công trình nghiên cứu có quy mô lớn với sự tham gia của các nhà chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành đến từ Đại học sư phạm Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục và các trung tâm can thiệp trên cả nước. Trải qua 4 cuộc hội thảo khoa học cấp cao, Bộ tài liệu được Khoa Giáo dục đặc biệt thuộc Đại học Sư phạm Hà Nội, một trong những cơ sở hàng đầu tại Việt Nam về nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, chủ trì biên soạn trong hơn 1 năm. 

Đây là thành quả bước đầu cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và PNJ với mục tiêu giúp cộng đồng hiểu đúng về rối loạn phổ tự kỷ, thực trạng gia tăng nhanh chóng số lượng trẻ rối loạn phổ tự kỷ tại Việt Nam, đồng thời cung cấp cho các giáo viên, kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ và các cha mẹ đang chăm sóc trẻ em tự kỷ những kiến thức toàn diện, đúng đắn về dấu hiệu nhận biết, phương pháp can thiệp, cũng như xây dựng chương trình can thiệp phù hợp để giúp trẻ cải thiện hành vi.

Trước đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cùng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức họp Hội đồng nghiệm thu tài liệu "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ" gồm 9 thành viên do GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội làm Chủ tịch Hội đồng và thành viên là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt đã nghiệm thu 2 bộ tài liệu dành cho các nhà chuyên môn và phụ huynh trẻ tự kỷ để xuất bản ra cộng đồng.

Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam Hoàng Văn Tiến cho biết, trong những bước đi kế tiếp, dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" sẽ tập trung đào tạo cho 200 cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em tự kỷ; 10.000 cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng được phổ biến kiến thức về tự kỷ; 10.000 giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp cận với các kiến thức được chuẩn hóa về trẻ em tự kỷ tại ở Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời, dự án sẽ tăng cường sự hiểu biết của cộng đồng để giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử dành cho trẻ tự kỷ và gia đình các cháu, tăng cường sự quan tâm trách nhiệm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và cộng đồng với gia đình có trẻ tự kỷ trong hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ. Tăng cường sự hợp tác giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các nhà chuyên môn, cộng đồng tại địa phương trong việc nâng cao năng lực về tổ chức hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ nhằm mang lại cuộc sống trọn vẹn, ý nghĩa cho trẻ em tại cộng đồng. Bên cạnh đó, các chiến dịch truyền thông mở rộng dưới hình thức truyền thanh, truyền hình các gia đình có trẻ em tự kỷ và cộng đồng xã hội được hiểu biết, nâng cao nhận thức và trang bị một số kiến thức cơ bản về trẻ em tự kỷ.