Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Bài 3 – Hỗ trợ học nghề là "cứu cánh" cho người lao động thất nghiệp

(Dân Sinh) - Cùng với việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, công tác tư vấn, hỗ trợ học nghề và giới thiệu việc làm được coi là một nhiệm vụ quan trọng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), giúp người lao động nhanh chóng tái hòa nhập lại thị trường lao động. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn cho người lao động, giúp họ ổn định cuộc sống và giảm nghèo tại tỉnh Thanh Hoá.

Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp đi vào cuộc sống

Trước những tác động của đại dịch COVID-19 đến thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi của người lao động, trong đó tập trung thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp một cách hiệu quả, thông suốt để người thất nghiệp sớm trở lại thị trường lao động, hỗ trợ học nghề phù hợp với khả năng của mình, để tìm cho mình một công việc tốt hơn, phù hợp hơn.

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Bài 3 – Hỗ trợ học nghề là "cứu cánh" cho người lao động thất nghiệp - Ảnh 1.

Người lao động thất nghiệp đến TT DVVL Thanh Hoá đăng ký nộp hồ sơ BHTN và hỗ trợ học nghề

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày Phòng bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận từ 150 đến 200 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Cao điểm trong tháng 5/2020, có ngày, phòng tiếp nhận tới 600 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm, đã có trên 14.000 người đến làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gần 80% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã tư vấn việc làm và các chế độ chính sách liên quan đến lao động việc làm cho gần 35.500 người. Tính đến ngày 12/6, có 174 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề. Tăng cao so với năm 2019, chỉ có 148 lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) cho biết: "Sau 3 năm làm công nhân may mặc cho Công ty May Đài Loan, do hoàn cảnh gia đình nên chị xin nghỉ việc vào đầu năm 2020. Tôi được hỗ trợ ba tháng học nghề lái xe ô tô, từ tháng 3 tôi đã bắt đầu đi học tại Trường TC nghề giao thông vận tải Thanh Hoá. Sau khi học xong tôi sẽ xin lái xe taxi, hy vọng với công việc mới này tôi sẽ sớm thích nghi và cải thiện cuộc sống tốt hơn".

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Bài 3 – Hỗ trợ học nghề là "cứu cánh" cho người lao động thất nghiệp - Ảnh 2.

Người lao động học nghề sửa ô tô tại Trường cao đẳng nghề Thanh Hoá

Anh Đỗ Đức Nghiêm, 31 tuổi, ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hoá, là một công nhân cũng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp chia sẻ: "Tôi làm công nhân cho một nhà máy gạch. Tuy nhiên, tuổi đời còn quá trẻ vì vậy hiện nay tôi đã nghỉ việc với mong muốn học một nghề để có công việc khác cho phù hợp hơn và có thu nhập tốt hơn. Tôi đã tìm hiểu về nghề công nghệ ô tô và bắt đầu từ tháng 4, tôi đăng ký học nghề tại Trung tâm DN tư thục Tuấn Hiền. Hiện nay, tôi rất hài lòng với nghề mình đang theo học. Được sự hỗ trợ kinh phí học nghề của Nhà nước đã khiến tôi có động lực nhiều hơn, và an tâm học nghề mình yêu thích. Chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động thất nghiệp thực sự đã đi vào cuộc sống".

Hỗ trợ học nghề là "cứu cánh" cho người lao động thất nghiệp

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức rà soát, đánh giá năng lực các cơ sở dạy nghề trên địa bàn để tổ chức đào tạo nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương và nhu cầu của người thất nghiệp. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá cũng đã bố trí cán bộ tư vấn trực tiếp tại nơi đăng ký BHTN để tạo điều kiện thuận lợi cho lao động thất nghiệp đăng ký tìm việc và học nghề. Trung tâm Dịch vụ việc làm cũng tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện để tạo điều kiện cho lao động ở xa tiết kiệm được chi phí đi lại, tiện lợi trong việc khai báo hưởng trợ cấp cũng như tiếp cận các thông tin học nghề và việc làm tại cơ sở…

Gỡ “nút thắt” đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp: Bài 3 – Hỗ trợ học nghề là "cứu cánh" cho người lao động thất nghiệp - Ảnh 3.

Người lao động học nghề điện lạnh tại Trường cao đẳng nghề Thanh Hoá

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hoá Lê Đăng Thanh cho biết: "Mặc dù trong năm 2020, số lượng lao động thất nghiệp đăng ký học nghề đã tăng cao so với năm 2019, tuy nhiên theo đánh giá vẫn còn quá thấp so với lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thực tế cho thấy, mặc dù Quyết định số 77/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về thời gian và mức hỗ trợ học nghề cho lao động đã được thông thoáng và thuận tiện hơn nhiều so với Quyết định số 55/2013/QĐ-TTg. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này vẫn rất thấp, do đó chưa thu hút được người lao động thất nghiệp tham gia học nghề".

"Hiện nay, các cơ sở dạy nghề cũng không thể mở riêng lớp cho một vài lao động thất nghiệp. Còn lao động học chung với khóa đào tạo của trường nghề thì lại mất thời gian đến vài năm, trong khi lao động thất nghiệp chỉ muốn học nghề trong thời gian sớm nhất để quay lại thị trường việc làm. Trong khi phần lớn lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, đời sống vốn khó khăn, khi bị mất việc, tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp mới chỉ bù được một phần khó khăn của cuộc sống. Mức hỗ trợ học nghề đã phần nào giúp người lao động được học một nghề thích hợp với khả năng của mình, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân và cho gia đình" - Giám đốc Lê Đăng Thanh nhấn mạnh.

Hỗ trợ học nghề là một chính sách BHTN, rất cần thiết đối với người lao động thất nghiệp, giúp họ có điều kiện nâng cao kỹ năng nghề, sớm quay lại thị trường lao động. Chính sách này rất thiết thực, hiệu quả và thực sự đã đi vào cuộc sống, trở thành "cứu cánh" cho người lao động. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo nghề đã đang dần phát triển thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu xã hội, sắp xếp lịch linh hoạt, phù hợp với thời gian của người lao động và cũng đã có nhiều chính sách giảm học phí đối với một số nghề có chi phí học nghề cao. Mặt khác, các ngành chức năng cũng đã có những dự báo nhu cầu thị trường lao động chính xác, tốt nhất để định hướng, tư vấn nghề phù hợp để người lao động dễ tìm việc sau khi được đào tạo.