Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội giải quyết việc làm cho 156.000 lao động trong năm 2020

(Dân sinh) - Năm 2020, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 156.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 67,5% vào cuối năm 2019 lên 70,2% vào cuối năm 2020.

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội tại Hội nghị triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2020 do Sở tổ chức mới đây, năm 2019, toàn thành phố giải quyết việc làm cho 192.000/154.00 lao động, đạt 124,6% kế hoạch năm, tăng 0,96% so với năm 2018 (trong đó, 28.300 lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho 31.000 hộ vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố với số tiền khoảng 1.188 tỷ đồng; 21.100 lao động được tuyển dụng qua các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức; đưa 3.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng).

Tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội năm 2019 là 1,7% (trong đó tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 2,22%, tỷ lệ thất nghiệp nông thôn là 1,16%). Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận khai báo, đăng ký 4.200 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tiếp nhận, ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 65.000 người với số tiền 1.200 tỷ đồng, hỗ trợ học nghề cho 8.000 người với số tiền 30 tỷ đồng; cấp và cấp lại 10.500 giấy phép lao động cho người nước ngoài, miễn cấp giấy phép lao động cho 1.100 lao động nước ngoài.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, năm qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố đã tuyển sinh và dạy nghề cho 205.000 người, đạt 100% kế hoạch, tăng 10,8% so với năm 2018.

Năm 2020, toàn thành phố phấn đấu đạt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 200.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 156.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 67,5% vào cuối năm 2019, lên 70,2% vào cuối năm 2020.

Hà Nội: Giải quyết việc làm cho 156.000 lao động trong năm 2020 - Ảnh 1.

Hà Nội sẽ hỗ trợ truyền nghề thủ công mỹ nghệ cho lao động nông thôn

Để đạt được mục tiêu trên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: Năm 2020, Sở  tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm lưu động, trực tuyến, chuyên đề dành riêng cho các ngành tuyển nhiều lao động; đồng thời, ứng dụng công nghệ hiện đại để thu thập, phân tích thông tin về thị trường lao động. Đối với lực lượng lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, trung tâm sẽ tư vấn, định hướng nghề nghiệp chuyên sâu, có giải pháp kết nối với doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động thất nghiệp theo nhu cầu sử dụng lao động của thị trường.

Mới đây, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng xong kế hoạch giải quyết việc làm cho 156.000 lao động. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tính tới giải quyết việc làm cho 13.100 lao động nông thôn, trong số này sẽ có 1.650 lao động nông thôn được hỗ trợ truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ.

Ngoài phương án tổng thể về giải quyết việc làm cho 156.000 lao động, thành phố  còn tính tới việc đào tạo nghề cho 13.100 lao động nông thôn, trong đó: Nghề nông nghiệp 8.322 người; nghề phi nông nghiệp 4.778 người. Hình thức đào tạo: Thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đào tạo nghề theo quy định để thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, ngày 10-4-2019, của Thủ tướng Chính phủ...

Liên quan đến giải quyết việc làm sau học nghề, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu: Tỷ lệ lao động sau học nghề tối thiểu đạt 80% có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. UBND Thành phố yêu cầu các huyện, thị xã đảm bảo 100% lao động nông thôn được tuyên truyền, hiểu biết về chính sách học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Bên cạnh đó,  thành phố sẽ tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ này giai đoạn 2010-2020.

Trong các nghề nằm trong kế hoạch đào tạo cho lao động nông thôn, Hà Nội rất coi trọng các nghề truyền thống. Ngay trong năm 2020, thành phố sẽ tiến hành hỗ trợ truyền nghề tiểu thủ công nghiệp, thủ công mỹ nghệ cho 1.650 lao động nông thôn, hỗ trợ 400 lượt cơ sở tham gia hội chợ trong nước, nước ngoài, hỗ trợ 15 cơ sở đầu tư thiết bị mới tiên tiến hiện đại vào sản xuất. Cùng với đó, thành phố hỗ trợ về tư vấn thiết kế mẫu, cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tạo ra trên 350 mẫu sản phẩm mới, hỗ trợ tập huấn kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho 1.750 lượt cán bộ quản lý doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, tạo việc làm và thu nhập cho trên 10.000 lao động khu vực nông thôn...