Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều

(Dân sinh) - Trước những diễn biến ngày càng khó lường và phức tạp của biến đổi khí hậu, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên như xây dựng kế hoạch trung và dài hạn, triển khai các dự án, công trình bảo vệ đê điều, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP Hà Nội không ngừng tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân.

Chủ động ứng phó với thiên tai

Cùng với quá trình đô thị hóa và mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã trở thành một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới. Bên cạnh sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, Thủ đô Hà Nội cũng đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đối khí hậu gây ra như bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc, sét, mưa lớn, ngập úng, lũ lụt, nắng nóng, rét hại, mưa đá... gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. 

Hà Nội: Tăng cường tuyên truyền phòng chống thiên tai, bảo vệ đê điều - Ảnh 1.

Diễn tập tại thực địa về phòng chống giảm nhẹ thiên tai tại cộng đồng

Theo thống kê, năm 2016, Bão số 1 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Hà Nội gây thiệt hại về người, tài sản, cây cối, hoa màu... (mất điện nhiều nơi, gãy đổ hơn 30.000 cây xanh, ngập nước nhiều diện tích lúa mùa mới cấy, ngập úng khu vực nội thành). Năm 2017 (đợt mưa lũ từ ngày 10 đến 12/10): Do ảnh hưởng của rìa phía bắc ATNĐ suy yếu kết hợp với đới gió đông trên cao hoạt động mạnh gây mưa lớn, làm thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất của nhân dân (01 người chết, trên 7.000 nhà bị ngập nước, trên 1.000 ha lúa và cây trồng bị thiệt hại, trên 8.000 con gia súc bị cuốn trôi, trên 9.000ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hàng trăm m đê từ cấp III trở lên bị sạt lở….). 18/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố bị thiệt hại, trong đó có 02 huyện phải tổ chức huy động lực lượng để sơ tán dân là Chương Mỹ, Mỹ Đức. Thiệt hại về công trình xây dựng, giao thông, đê điều, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố ước tính khoảng 1.500 tỷ đồng.

Năm 2018, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua Bắc Trung Bộ kết hợp với vùng xoáy thấp trên khu vực vịnh Bắc bộ, sau ảnh hưởng rìa phía bắc bão số 3, ATNĐ 5, đã gây ngập úng nặng, làm thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và sản xuất của nhân dân. Trong đó huyện Chương Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề (làm chết 3 người, bị thương 2 người, trên 3.000 hộ dân bị ảnh hưởng; trên 5.000 ha lúa, gần 2.000 ha rau màu bị thiệt hại; trên 120.000 con gia súc, gia cầm bị chết, hoặc do lũ cuốn trôi; gần 2.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại). Tại địa bàn các quận nội thành có 33 tuyến phố xảy ra tình trạng ngập úng, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tăng cường tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân

Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Phó Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội cho rằng, để công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, vấn đề căn bản hiện nay là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội đối với lĩnh vực quan trọng này; đồng thời, sớm bổ sung, hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm và kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với các vi phạm tồn đọng cũng như những vi phạm phát sinh mới.

Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về phòng chống thiên tai, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố đã triển khai công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy; các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các cơ quan thông tấn, báo chí liên quan tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đào tạo, tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tới người dân với nhiều hình thức và nội dung.

Năm 2019 tổ chức Hội nghị tuyên truyền công tác phòng, chống thiên tai tới các xã, phường, thị trấn với gần 1.000 đại biểu tham dự. Qua đó, chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tránh tư tưởng chủ quan của người dân trong công tác phòng, chống thiên tai và TKCN; đảm bảo nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm "4 tại chỗ" và kiên quyết xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn.

Tổ chức hội nghị thông tin báo chí Thành ủy về công tác phòng, chống thiên tai. Tham gia lớp tập huấn cho lực lượng quản lý đê do Tổng cục phòng, chống thiên tai tổ chức.  Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các hội nghị tuyên truyền công tác PCTT đến các đối tượng trên địa bàn Thành phố. Đăng các tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng (đài phát thanh các xã, phường, thị trấn; các báo: Hà Nội Mới, Điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Lao động Xã hội,…) và các hình thức khác.

Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trên địa bàn Thành phố. Các sở, ban, ngành phối hợp với quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, tin cảnh báo thiên tai, các văn bản chỉ đạo của các cấp,….thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.