Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Đang thẩm định giá để mua hệ thống Realtime PCR

Việc xúc tiến để mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR đang tiến hành ở bước TP Hải Phòng giao Sở Y tế thẩm định giá…

Chiều 24/4, thông tin với PV báo Lao động và Xã hội, bà Phạm Thu Xanh - Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết, đơn vị chưa mua hệ thống xét nghiệm PCR. Về việc xúc tiến mua hệ thống máy móc, bà Xanh cho biết, TP Hải Phòng đang giao Sở Tài chính Hải Phòng tiến hành thẩm định giá. Khi được hỏi về mức giá đang tiến hành thẩm định, bà Xanh bảo PV liên lạc bên thẩm định.

Tại Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng đã ban hành quyết định về việc phân bổ kinh phí mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR. Sở Y tế Hải Phòng là đơn vị triển khai các thủ tục để thực hiện việc mua sắm thiết bị này.

Trước đó, ngày 17/4, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin với dư luận về việc Cơ quan CSĐT Bộ Công an triệu tập một số cán bộ CDC Hà Nội để điều tra về việc mua sắm thiết bị y tế phục vụ chống dịch Covid-19.

Hải Phòng: Đang thẩm định giá để mua hệ thống Realtime PCR - Ảnh 1.

Bà Phạm Thu Xanh – Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng.

Hai ngày sau (20/4), Sở Y tế Hải Phòng đã phải báo cáo Bộ Y tế về việc mua sắm hệ thống PCR. Ở báo cáo số 1108 của Sở Y tế Hải Phòng, bà Phạm Thu Xanh cho biết đang tiếp tục xúc tiến để mua hệ thống xét nghiệm PCR.

Đến ngày 22/4, ông Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội và đồng phạm bị bắt. Như vậy, theo lời bà Xanh thì đến hôm nay (24/4) Hải Phòng vẫn đang tiến hành thẩm định giá của hệ thống máy móc này.

Liên quan đến việc trục lợi từ việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19, dư luận thêm bất ngờ khi biết tỉnh Quảng Ninh mua thiết bị PCR với giá hơn 8 tỷ đồng.

Thông tin trên tờ Tuổi trẻ cho thấy, thiết bị Realtime PCR của Hãng Qiagen (Đức) đã được Sở Y tế Quảng Ninh ký hợp đồng mua bán hôm 1/3, với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao, với giá trên 8,4 tỉ đồng.

Ngày 23/3, sau cuộc làm việc của C03 với Sở Y tế (làm việc ngày 15/3), Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng, giảm giá thiết bị này xuống 7 tỉ đồng. Ngày 19/3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỉ này. Ngày 23/4, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết họ mua thiết bị với giá 5,2 tỉ đồng.

Như đã đưa tin, ngày 22/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.

Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Các bị can gồm PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội); Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định một số cá nhân tại CDC Hà Nội đã bắt tay doanh nghiệp trục lợi thông qua gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Theo C03, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng, tuy nhiên qua mua bán lòng vòng, đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) đã lên đến 7 tỷ đồng.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty Luật TAT Law Firm khẳng định hành vi mà các bị can đã thực hiện là những hành vi liên quan trực tiếp tới hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid 19 của cả xã hội. Do vậy mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi mà các bị can đã thực hiện sẽ bị đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều so với việc phạm tội trong điều kiện bình thường.

Ở góc độ đạo đức xã hội, có thể đánh giá đây là một sự ích kỷ cao độ của nhóm các bị can. Vì lợi ích của bản thân, của nhóm các bị can đã phớt lờ đi sự an toàn của xã hội. Nó đi trái với đạo lý "tương thân, tương ái" đã có hàng ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam và cần phải xử lý nghiêm.