Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Điểm sáng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng

Là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các chế độ, chính sách chăm lo cho các đối tượng là người có công với cách mạng, trong những năm qua, thành phố luôn nỗ lực làm tốt công tác này bằng những việc làm thiết thực, cụ thể.

Trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thành phố có trên 220.000 người được công nhận là người có công với cách mạng, trong đó có 368 lão thành cách mạng; 550 cán bộ tiền khởi nghĩa; 2.569 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; 29.791 liệt sĩ và 25.095 thương bệnh binh. Trong những năm qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội quan tâm thực hiện kịp thời, đầy đủ, toàn diện các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ theo từng thời kỳ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác này.

Hải Phòng: Điểm sáng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. - Ảnh 1.

Lãnh đạo thành phố Hải Phòng thăm, tặng quà người có công trên địa bàn.

 Từ năm 2012 đến nay, thành phố tập trung triển khai thực hiện Pháp lệnh phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" (sửa đổi) và Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi); đã vinh danh danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 1.560 trường hợp; quyết định thực hiện chế độ thờ cúng liệt sĩ 22.021 trường hợp; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày cho 2.223 trường hợp. Đối với người tham gia kháng chiến nghi bị nhiễm chất độc hoá học đã giám định y khoa cho 6.214 người để công nhận 1.012 người đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định; xác nhận, công nhận hàng trăm liệt sĩ không còn giấy tờ.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi cho người có công như: Trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ về giáo dục, đào tạo. Hàng năm, thành phố tổ chức điều dưỡng tập trung đối với 2.115 người, với kinh phí trên 4,69 tỷ đồng/năm; thực hiện chi điều dưỡng tại gia đình đối với 10.643 người, với kinh phí trung bình trên 11,81 tỷ đồng/năm…

Điều đáng nói là từ năm 2016 tới nay, mức hỗ trợ vật chất đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công đều ở mức cao nhất cả nước. Thành phố luôn thực hiện nghiêm túc chế độ đãi ngộ dành cho thương binh, gia đình liệt sĩ theo đúng chủ trương "Tận tay, đúng kỳ, đủ số".

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, thành phố quyết định dành hơn 167 tỷ đồng (nhiều nhất từ trước đến nay) tặng quà cho gần 48.000 người có công, mỗi suất quà trị giá 3.500.000 đồng (gồm 3.300.000 đồng tiền mặt và 200.000 đồng tiền quà). Đây là mức tiền và quà tặng cao nhất từ trước đến nay, gấp hơn 3 lần năm 2016, hơn 1,5 lần so với năm 2017 và tăng khoảng 10% so với năm 2018, là nỗ lực rất lớn của Hải Phòng trong công tác tri ân các gia đình chính sách, người có công. Ngoài ra, nhân  kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà 5 nhóm đối tượng người có công gắn với sự kiện lịch sử này, bao gồm: Cán bộ lão thành cách mạng (19 người), cán bộ tiền khởi nghĩa (84 người), Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (67 người), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (12 người) và Anh hùng lao động trong kháng chiến (2 người). Mức quà tặng chung cho các đối tượng người có công nêu trên là 5.000.000 đồng/người (bằng tiền mặt) và hộp quà bằng hiện vật trị giá 500.000 đồng, đây là mức quà tặng cao nhất từ trước đến nay so với mức quà tặng các nhóm đối tượng người có công khác từ nguồn ngân sách thành phố.

Để những người có công có nơi ăn chốn nghỉ đầy đủ, Hải Phòng đã triển khai hoạt động hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Nghị quyết 32/2018/NQ-HĐND của HĐND thành phố và Quyết định số 22/QĐ-TTg. Năm 2019, Hải Phòng đã bố trí 130 tỷ đồng để hỗ trợ cho 2.563 hộ đã được UBND TP phê duyệt.

Ông Lê Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng  khẳng định: "Việc chăm lo, tri ân NCC với cách mạng nói chung, hỗ trợ NCC về nhà ở nói riêng được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố xác định cần làm ngay, làm kịp thời, không chờ đến khi có đủ điều kiện, bởi NCC mỗi năm một giảm đi, năm nào cũng có các cụ tuổi cao sức yếu về với tiên tổ. Sự quan tâm kịp thời, nhất là hỗ trợ về nhà ở có ý nghĩa thiết thực nhất khi NCC còn sống".

Hải Phòng: Điểm sáng thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. - Ảnh 3.

Hải Phòng hỗ trợ nhà ở gia đình người có công.

Với tinh thần đó, để chủ động đẩy nhanh việc hỗ trợ nhà ở cho NCC, do nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ (80%) về địa phương chậm, nên cùng với hỗ trợ kịp thời 20% kinh phí của địa phương, TP Hải Phòng còn thực hiện ứng trước kinh phí hỗ trợ NCC về nhà ở. Nhờ vậy, đến hết năm 2018, thành phố có hơn 10.700 hộ NCC đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà (đạt hơn 80% số hộ). Tháng 12/2018, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 32 về cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở đối với NCC có khó khăn về nhà ở bằng hai hình thức: tiền mặt hoặc vật liệu (xi măng và gạch).

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng NCC, Sở LĐ-TB&XH TP Hải Phòng: Mức hỗ trợ quy đổi thành tiền trị giá 32 triệu đồng/nhà xây mới, 16 triệu đồng/nhà sửa chữa. Theo Nghị quyết 32, đến hết năm 2019, toàn thành phố có 5.220 hộ NCC được thành phố phê duyệt hỗ trợ vật liệu xi măng, gạch, ước tính trị giá hơn 100 tỷ đồng.

Trong các dịp lễ, tết tất cả các phường, xã, quận, huyện và các sở, ngành trên địa bàn TP Hải Phòng đều tổ chức những hoạt động tri ân đối với gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng. Việc thực hiện tri ân bằng cả tấm lòng và trách nhiệm nói trên đã thể hiện sự quyết tâm chính trị lớn của thành phố Hoa Phượng dỏ trong việc chăm lo toàn diện nhất cho gia đình chính sách, thương binh, gia đình liệt sĩ.