Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hải Phòng: Thực hiện tốt quy trình cai nghiện cho các đối tượng

(Dân sinh) - Thực hiện Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT-BLĐTBXH-BYT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện một cách hiệu quả; qua đó giúp người nghiện có nhu cầu điều trị tự nguyện, ổn định tâm lý, sức khỏe phòng, chống tái nghiện.

Hải Phòng: Thực hiện tốt quy trình cai nghiện cho các đối tượng  - Ảnh 1.

Đánh giá mức độ nghiện và loại ma túy đối tượng sử dụng để có phác đồ điều trị.

Triển khai thực hiện Thông liên tịch số 41 về hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện tại thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, việc tiếp nhận, phân loại đối tượng theo Thông tư 41 được các cán bộ cơ sở cai nghiện ma túy thực hiện theo đúng các biểu mẫu trong hồ sơ đảm bảo đúng hướng dẫn. 100% đối tượng đều được phân loại, sau đó sử dụng phương pháp phần mềm tra cứu mã bệnh theo phân loại quốc tế (ICD 10) để đánh giá mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng để có phác đồ điều trị.

100% cán bộ tại các cơ sở cai nghiện đã được tập huấn về chẩn đoán và điều trị cai nghiện theo chương trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế. Tổ chức tư vấn cho người nghiện ma túy, gia đình người nghiện về phương pháp cai nghiện, vai trò, trách nhiệm của gia đình để động viên người nghiện sẵn sàng cai nghiện.

"Các đối tượng được khám sức khỏe ban đầu và lập hồ sơ bệnh án theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 41. Cùng với đó, đối tượng phải làm các xét nghiệm để phát hiện chất ma túy và các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó căn cứ vào hồ sơ bệnh án, các kết quả xét nghiệm và tài liệu khác có liên quan để cán bộ tiếp nhận phân loại đối tượng theo mức độ nghiện để bố trí vào các khu điều trị rồi lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng…", ông Phái cho biết.

Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Hải Phòng cho biết, việc điều trị rối loạn tâm thần được thực hiện theo đúng "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine" (Thông tư liên tịch số 41). Theo đó, thời gian điều trị cho các đối tượng phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý, diễn biến lâm sàng và khả năng phục hồi. Bình thường thời gian điều trị từ 10 đến 15 ngày nhưng có những đối tượng biểu hiện tình trạng rối loạn tâm thần, rối loạn tâm lý nặng nề nên thời gian điều trị kéo dài từ 1 đến 2 tháng.

Về phương pháp điều trị cắt cơn, các cơ sở cai nghiện tại Hải Phòng đã áp dụng các bài thuốc đông y hoặc thuốc từ dược liệu đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành và hướng dẫn điều trị hỗ trợ cắt cơn. Cùng với đó, thực các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu giúp người nghiện ma túy bớt lo âu, làm giảm hội chứng cai. Đặc biệt, việc thực hiện cắt cơn giải độc, đối tượng được phân loại cụ thể theo sức khỏe và tình trạng nghiện cũng như loại ma túy sử dụng để có phác đồ cụ thể phù hợp với từng bệnh nhân, như tùy theo sức khỏe và hội chứng cai nghiện cũng như tình trạng loạn thần của bệnh nhân nên giai đoạn này kéo dài từ 10 đến 20 ngày hoặc dài hơn. Đối tượng có thể được điều trị hội chứng cai bằng phương pháp an thần kinh, các thuốc hỗ trợ cắt cơn thảo dược.

Theo ông Nguyễn Bách Phái, việc thực hiện quy trình cai nghiện cho người nghiện ma túy luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Ủy ban nhân dân thành phố, cùng các sở, ngành liên quan. Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế về giai đoạn tiếp nhận, phân loại, tư vấn cho đối tượng về phương pháp cai nghiện... Bên cạnh đó, các đối tượng chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá, sử dụng kép nhiều loại ma túy nên khi vào cơ sở đều có các biểu hiện rối loạn tâm thần và hành vi hoang tưởng, ảo giác, dẫn đến chống đối trong quá trình điều trị cắt cơn.

"Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 41 cho phù hợp, nhất là việc phân chia thời gian để thực hiện quy trình cai nghiện cho hai giai đoạn nói trên cần mở hơn, không nên quy định là 5% thời gian. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng mẫu bệnh án điều trị nghiện ma túy đơn giản, dễ áp dụng hơn so với hiện nay", ông Phái nói.