Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hành trình tìm lại hy vọng

(Dân sinh) - Sẽ luôn có một cơ hội nếu chúng ta không từ bỏ niềm tin, “Hành trình tìm lại hy vọng” là một chương ngắn đến từ cuốn nhật ký Kết nối yêu thương của Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh.

Khát khao có thể đi làm phụ giúp gia đình

T.M.L., chàng trai 30 tuổi người Chăm đến từ vùng đất Bình Thuận, vụ tai nạn giao thông 3 năm về trước đã cướp đi của anh không chỉ ngoại hình mà còn khả năng lao động. Vết thương cơ thể có thể sớm chữa lành, nhưng cái nghèo khó của gia đình đông con, quanh năm chỉ biết đào măng và phụ việc ở vườn thanh long khiến mẹ của anh L. lắc đầu ngao ngán: "Bấy giờ kiếm đâu ra 6 triệu đồng cho nó đi nhà thương, tôi kêu nó đắp lá cho mau khỏi vậy thôi".

Anh L. bị gãy 1/3 xương đòn trái, xương đòn chêm hướng xuống và chèn ép vào phía trong lồng ngực, lâu dần gây tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, khiến cánh tay trái không thể co duỗi, cổ bị căng cơ không thể xoay trở và nói chuyện khó khăn. Xương ngón cái chân trái bị di lệch, sụn hư và nham nhở, việc đi lại với anh cũng chẳng hề dễ dàng.

Họa vô đơn chí, sau tai nạn của anh không lâu, cha anh cũng vì tai nạn giao thông mà mất đi khả năng lao động, gánh nặng kinh tế của gia đình 7 người giờ đây dồn ép lên đôi vai của người mẹ và hai đứa em nhỏ. Tại vùng đất Hàm Thuận Nam, nơi mà những người Chăm hiền lành chân chất sống quần cư, quanh năm "mùa nào thức nấy", không dám đi xa khỏi vùng đất của mình vì những e ngại… thu nhập cao nhất mà gia đình anh kiếm được mỗi ngày là 150.000 đồng. Ở độ tuổi đẹp nhất của thanh niên, với đôi mắt đỏ hoe, giọng nói ngập ngừng, chàng trai gầy gò không khỏi xúc động khi kể về những ngày có thể lên núi hái hồ tiêu kiếm tiền phụ giúp gia đình.

 Hành trình tìm lại hy vọng  - Ảnh 1.

Bác sĩ trị liệu cho người bệnh

Từ cuộc hạnh ngộ với chuyến xe chuyên chở yêu thương…

Ngày 27/7/2019, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận phối hợp với Đảng ủy và Ban Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình khám bệnh từ thiện thường niên cho cán bộ, chiến sĩ biên phòng, gia đình chính sách, hộ nghèo tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cơ duyên bắt đầu từ đây, được các y bác sĩ của đoàn khám bệnh từ thiện Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh thăm khám và tư vấn sức khoẻ, anh L. không dám nghĩ rằng lần được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe này lại đem đến cho anh cơ hội không thể ngờ.

Niềm hy vọng đã đến nhờ rất nhiều những trái tim vàng. Biết được hoàn cảnh khó khăn của anh L, Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã động viên, hỗ trợ anh L. chi phí điều trị. Tháng 10/2019, lần đầu tiên rời xa quê nhà đến phố thị, tại Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, khi được chẩn đoán có thể phẫu thuật và phục hồi một phần chức năng, mong mỏi bấy lâu về một cơ thể bớt khó khăn khi di chuyển, bớt đau buốt khi trái gió trở trời, với anh dần rõ ràng hơn bao giờ hết.

Trong quá trình vận động tài trợ, Bệnh viện đã nhận được sự hỗ trợ của bà Đào Thị Tố Quyên,  Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ Điện lạnh – Thương mại Hòa Bình – Alaska, cảm thông trước hoàn cảnh của anh L., bà Quyên đã cùng Bệnh viện chi trả toàn bộ chi phí điều trị cho anh.

… đến hành trình tìm lại hy vọng

Ngày 11/11/2019, anh L. nhập viện tại Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật. Ngày 12/11/2019, ca phẫu thuật đã thành công cắt đi đoạn xương đòn bị lệch đâm vào lồng ngực và cố định xương ngón cái chân trái bằng kim Kirschner. Chỉ sau vài ngày, anh L. đã có những biến chuyển rõ rệt, cổ đã có thể xoay trở dễ dàng, nói chuyện không còn đau và khó khăn.

Nói về khả năng phục hồi của anh L., phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Mức độ phục hồi của cánh tay trái còn phụ thuộc vào quá trình tập vật lý trị liệu, còn chân trái của người bệnh nếu phục hồi nhanh, trong khoảng từ 3 – 12 tháng có thể thực hiện cuộc phẫu thuật tiếp theo để loại bỏ kim K.Wire".

"Mổ xong thấy nó cười hoài ", "Nhìn ảnh tươi hẳn ra"… là những lời nhận xét đầy thiện chí của  nhân viên y tế, của những người bệnh nằm cùng phòng – những người đã thấy được quá trình thay đổi tâm lý của anh trước và sau ca phẫu thuật. Khi trả lời về những cảm xúc của mình, anh L. chỉ lặp đi lặp lại: "Em cũng không ngờ được".

Nụ cười lại nở trên môi, tuy đoạn đường điều trị sắp tới của anh L. vẫn còn dài, nhưng những yêu thương, niềm tin sẽ tiếp tục lan tỏa và kết thành quả ngọt. Khép lại hành trình này, với những nỗ lực trong hỗ trợ và đồng hành cùng người bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục viết thêm những chương mới cho nhật ký Kết nối yêu thương.