Quay lại Dân trí
Dân Sinh

HĐND thành phố Hà Nội: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19

Sáng 15/5, HĐND thành phố Hà Nội khóa XV đã tổ chức kỳ họp thứ mười bốn (kỳ họp không thường kỳ) để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, thời gian vừa qua, tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu, gây tổn thất lớn về sinh mạng con người và gây khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới.

HĐND thành phố Hà Nội: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phiên họp HĐND thành phố Hà Nội khóa XV.

Bà Ngọc cho biết, Thành phố đã ưu tiên dành nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, như: Bảo đảm cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men y tế, trang bị phòng hộ, nhân lực cho việc dự phòng, cách ly, điều trị. Thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, thành phố đã chi 505 tỷ đồng từ ngân sách thành phố hỗ trợ cho các đối tượng...

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố đã vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân cùng tham gia ủng hộ công tác phòng, chống dịch số tiền lên đến trên 170 tỷ đồng. Các cán bộ, công chức, viên chức thành phố dành một ngày lương để ủng hộ công tác phòng, chống dịch với số tiền gần 56 tỷ đồng.

HĐND thành phố Hà Nội: Xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Hà Nội đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Đồng thời, tổ chức hỗ trợ cho các đối tượng đang thực hiện cách ly tại các địa phương, các lực lượng công an, quân đội, y sĩ, bác sĩ, cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, các bệnh nhân, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 số tiền trên 30 tỷ đồng và các hàng hóa thiết yếu khác. Những kết quả trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố được cử tri, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, là địa phương có số ca nhiễm, số người bị cách ly y tế nhiều nhất cả nước, toàn thành phố đã tổ chức cách ly gần 8 nghìn người tại 13 khu cách ly tập trung và các khách sạn và hơn 71 nghìn người cách ly tại cộng đồng, điều trị và cách ly tập trung tại các bệnh viện. Có 3 ổ dịch cần phải cách ly với số lượng người dân lớn…

Để phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, thành phố đã huy động sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an, y tế, cán bộ thôn tổ dân phố. Trong đó một số đối tượng trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch mà thành phố huy động đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29-3-2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng còn một số đối tượng chưa được hưởng hỗ trợ do các lực lượng tham gia chống dịch của thành phố được huy động với phạm vi rộng hơn theo quy định của Trung ương.

Việc quy định bổ sung chế độ chi cho các đối tượng này là cần thiết để động viên, hỗ trợ kịp thời các lực lượng đã, đang và sẽ được huy động chống dịch, cũng như chịu ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn thành phố.

Vì vậy, tại kỳ họp này, HĐND thành phố sẽ xem xét thông qua 5 cơ chế, chính sách liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Quy định chính sách hỗ trợ trả kết quả cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2020 ứng phó với dịch bệnh Covid-19; quy định cơ chế đặc thù về nguồn kinh phí thực hiện dạy học trên truyền hình; quy định nội dung và mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19; quy định nội dung và mức hỗ trợ tiền thuê nhà đối với sinh viên, công nhân, các hộ gia đình, cá nhân hỗ trợ gia đình thuê nhà thuộc sở hữu Nhà nước bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19; quy định cơ chế đặc thù hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi hoạt động thường xuyên bị suy giảm nguồn thu, không bảo đảm tự chủ chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, tiếp tục tinh thần thực hiện hiệu quả "nhiệm vụ kép" - vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, HĐND sẽ xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư 10 dự án sử dụng ngân sách thành phố; điều chỉnh, bổ sung kế hoạch trung hạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách thành phố (đợt 1) năm 2020.

Đây là những dự án có tổng mức đầu tư lớn, mang tính chất quan trọng để xây dựng hạ tầng kinh tế, giao thông, thủy lợi, phát triển giáo dục, đào tạo, có tác động lớn đến thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống dân sinh. Do vậy, các nội dung quyết nghị về chủ trương đầu tư, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn lần này đều được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi.

"Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "Chống dịch như chống giặc" và chúng ta đã chiến thắng bước đầu, thì giờ đây, tinh thần "Chống trì trệ như chống dịch", thành phố chúng ta càng phải gương mẫu, đi đầu, thúc đẩy duy trì phát triển kinh tế tăng trưởng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo an sinh xã hội. Với nội dung quan trọng, mang tính cấp thiết, kịp thời của kỳ họp, tôi trân trọng đề nghị các cấp, các ngành, các vị đại biểu HĐND thành phố tiếp tục hiến kế, đóng góp tâm sức, xây dựng nghị quyết HĐND thật thiết thực, khả thi, sớm đi vào cuộc sống", Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.