Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hết lòng bảo vệ các đối tượng yếu thế khỏi dịch Covid-19

(Dân sinh) - Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, suốt thời gian qua, các đơn vị bảo trợ xã hội đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, giám sát chặt chẽ, quyết tâm không để lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 sang các đối tượng yếu thế.

Nghiêm ngặt phòng tránh lây lan

Hiện cả nước có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt... 48.423 đối tượng đang được nuôi dưỡng tập trung tại 432 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 182 cơ sở công lập.

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An, Ba Vì, Hà Nội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, với tinh thần cảnh giác cao độ, Trung tâm đã ban hành ngay kế hoạch, phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đề phòng nguy cơ lây lan tại đơn vị và địa bàn lân cận.

Hết lòng bảo vệ các đối tượng yếu thế khỏi dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Phun thuốc khử khuẩn tại Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An. (Ảnh: Chí Tâm)

Do là đơn vị chăm sóc, điều trị phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh đặc biệt, đây là những đối tượng có sức đề kháng yếu, nguy cơ lây nhiễm cao nên Trung tâm đã khẩn trương yêu cầu lãnh đạo các phòng, khoa và toàn thể cán bộ, công nhân viên nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Ông kể, riêng đối với các cháu đến từ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới với Trung Quốc khi quay lại Trung tâm sau dịp nghỉ Tết, đơn vị cũng đã kiểm tra phòng dịch, tiến hành cách ly 14 ngày, sau đó mới tiếp tục tiến hành điều trị, phục hồi chức năng như thông thường.

"Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã họp bàn, đưa ra phương án cụ thể và những tình huống có thể xảy ra để anh em trong đơn vị tổ chức tập huấn và thường xuyên phun thuốc khử khuẩn", ông Lý cho biết và nhấn mạnh, tất cả cán bộ, công nhân viên, gia đình, người thân của các cháu khi đến Trung tâm đều phải bắt buộc khai báo y tế; nếu phát hiện dù là tiếp xúc dưới dạng F3, F4 thì cũng đều phải nghỉ ở nhà hoặc sau 2 tuần mới được quay lại Trung tâm.

"Những đối tượng mới, đối tượng ngoài khi đến Trung tâm điều trị, phục hồi chức năng đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, nếu không có vấn đề liên quan đến dịch tễ thì đơn vị mới tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân song phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng tránh lây lan", Giám đốc Trần Văn Lý cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, Phó Giám đốc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An, các cháu ở đơn vị là những đối tượng đa bệnh tật, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh mãn tính lại nhiều bệnh nền.

Đặc tính của virus nCoV rất nguy hiểm cho các đối tượng yếu thế đó. Xác định công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho vấn đề phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các giải pháp ngăn chặn, xây dựng kịch bản xử lý, khống chế, không để xảy ra nguy lây lan.

Trường hợp có biểu hiện sốt và những biểu hiện khác có liên quan đến dịch cúm sẽ phân loại, tiến hành cách ly, không cho vào bên trong khu vực chăm sóc, điều trị trẻ để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Hết lòng bảo vệ các đối tượng yếu thế khỏi dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An

Để tăng cường cho công tác phòng, chống dịch bệnh, mới đây, Trung tâm đã đầu tư thêm các loại thuốc, vật tư, hóa chất như: áo, khẩu tra phòng dịch, khẩu trang y tế, gang tay, sát khuẩn tay nhanh, nhiệt kế bắn trán, máy phun phòng dịch…

Được biết Trung tâm phục hồi chức năng Thụy An đóng trên địa bàn xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội) hiện đang duy trì tốt công tác chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên cho 250 - 260 người khuyết tật, trẻ em khuyết tật; duy trì công tác giáo dục đặc biệt, giáo dục hòa nhập cho trên 120 em khuyết tật về trí tuệ, điếc câm...

Qua đánh giá có rất nhiều người khuyết tật sau thời gian được phục hồi chức năng đã tiến bộ rõ rệt, giúp các em phát huy năng lực bản thân hòa nhập cộng đồng.

Phát động đối tượng thi đua đeo khẩu trang

Cả nước ước tính có khoảng 300.000 người bị bệnh tâm thần nặng đang được nuôi dưỡng tại hơn 50 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, trong đó có gần 30 cơ sở chăm sóc chuyên biệt.

Hết lòng bảo vệ các đối tượng yếu thế khỏi dịch Covid-19 - Ảnh 3.

Bệnh nhân tâm thần đeo khẩu trang nghiêm túc trong khi lao động trị liệu

Hiện người bệnh tâm thần mãn tính đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm là hầu hết bệnh nhân không còn khả năng lao động lý liệu để phục hồi chức năng, không còn khả năng tự phục vụ bản thân.

Ghi nhận tại Trung tâm Chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội, nơi đang chăm sóc, nuôi dưỡng 588 bệnh nhân tâm thần phân liệt diện khuyết tật đặc biệt nặng, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ông Đào Chí Lăng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo chung của UBND thành phố Hà Nội, mà trực tiếp là Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, đơn vị đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, công nhân viên thực hiện nghiêm công tác phòng ngừa, phòng tránh lây lan.

Đồng thời tạm dừng tổ chức hoạt động thăm gặp bệnh nhân đối với các gia đình; kiểm tra chặt chẽ y tế, đo thân nhiệt, kiểm sát y tế tất cả cán bộ, nhân viên hàng ngày ra vào Trung tâm.

Đặc thù của đơn vị là nuôi dưỡng tập trung gần 600 bệnh nhân tâm thần nên Trung tâm đã giao cho phòng y tế tiến hành trực 24/24h để tuyên truyền, thường xuyên khám bệnh và kiểm tra thân nhiệt hàng ngày tại các bộ phận nuôi dưỡng.

"Đặc biệt, việc đeo khẩu trang thường xuyên đối với người bình thường đã khó, đối với người tâm thần lại khó hơn bội phần. Do hành vi không kiểm soát được, nên trong quá trình đeo khẩu trang, nhiều bệnh nhân rất khó chịu và chỉ được một lúc là ném bỏ", ông Lăng nói.

Trước thực trạng này, Phó Giám đốc Trung tâm cho hay, cán bộ, nhân viên lại phải tận tình, mềm mỏng hướng dẫn, phát động thi đua đeo khẩu trang giữa các bệnh nhân với nhau, giữa các bộ phận với nhau. "Từ đó, các bệnh nhân có thể tương trợ lẫn nhau, bệnh nhân tỉnh hỗ trợ bệnh nhân kém hơn; hàng ngày tổ chức các cuộc thi về cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: kỹ năng rửa tay, cách đeo khẩu trang đúng cách…", ông Lăng chia sẻ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, bên cạnh nghiệp vụ chuyên môn, đội ngũ cán bộ, công nhân viên công tác trong các cơ sở bảo trợ xã hội thuộc ngành LĐ-TB&XH càng phải chuyên cần, tận tụy và trách nhiệm hơn bao giờ hết để giúp đỡ các đối tượng yếu thế, gia đình chính sách, người có công phục hồi chức năng cũng như nhiều hoạt động khác.

Đặc biệt, các trung tâm luôn chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây nhiễm bệnh bằng việc thường xuyên kiểm tra thân nhiệt và sức khỏe của các đối tượng, người nhà khi đến thăm gặp…

Công điện của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngày 3/4 yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc Tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm.

Theo đó, liên quan đến lĩnh vực bảo trợ xã hội, Công điện số 02/CĐ-LĐTBXH yêu cầu tăng cường hướng dẫn các địa phương quản lý, thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở trợ giúp xã hội.

Rà soát, thống kê, nắm chắc tình hình sức khỏe của đối tượng quản lý; thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhất là người cao tuổi, người có bệnh lý nền.

Thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn để phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn cho đối tượng, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ sở. Tạm dừng việc trực tiếp đến thăm, tặng quà tại các cơ sở đến hết ngày 15/4/2020.

Chỉ đạo các cơ sở phối hợp với chính quyền, cơ sở y tế tại địa bàn để xây dựng phương án dự phòng về thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định của ngành y tế nếu xảy ra trường hợp đối tượng tại cơ sở nhiễm Covid-19.

Trong trường hợp cần tiếp nhận các đối tượng mới vào các cơ sở, Công điện nêu rõ, phải thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở trợ giúp xã hội, Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) cũng đã có công văn gửi Giám đốc Sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng các cơ sở y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng; cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Bộ.

Cục Bảo trợ Xã hội đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Thủ trưởng các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, chỉnh hình và phục hồi chức năng thuộc Bộ thực hiện nghiêm túc các biện pháp nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở trợ giúp xã hội.