Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hiến kế tăng trưởng kinh tế

Dự kiến cuối tuần này, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành và truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.

Báo Quân đội nhân dân cho biết, dự kiến cuối tuần này, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ. 

Đây là hội nghị có quy mô rất lớn với sự tham dự của khoảng 6.000 đại biểu tại các điểm cầu và qua truyền hình trực tiếp thì khoảng 800.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, sự kiện này được xem như một “Hội nghị Diên Hồng” hiến kế cho Thủ tướng, cho Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 trên toàn cầu không chỉ tạo ra cuộc khủng hoảng y tế mà còn là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đối với kinh tế toàn thế giới. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 85,7% số doanh nghiệp bị tác động của dịch này; trong đó: Khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỷ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%; nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%; một số ngành, tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng như: Hàng không là 100%, dịch vụ lưu trú là 97,1%, dịch vụ ăn uống 95,5%...

HIẾN KẾ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ - Ảnh 1.

Nhiều nguồn lực trong xã hội cần huy động để phục hồi kinh tế. Ảnh: Quỳnh Danh.

Với ý chí quyết tâm “chống dịch như chống giặc” của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, chúng ta đã tận dụng được “thời gian vàng” để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Nay đang là “thời gian vàng” để phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là thời gian mà nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn thách thức rất lớn, rất cần sự tiếp sức của Nhà nước. Thế nhưng, việc tiếp sức thế nào, chính sách ưu tiên ra sao, các gói hỗ trợ đến với doanh nghiệp bằng con đường gần hay xa... lại rất cần có sự hiến kế của chính những người thụ hưởng.

Ngày 9/5, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần thứ tư được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ. Chính phủ sẽ lắng nghe các doanh nghiệp kiến kế giải pháp gồm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế sau dịch.

Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn Chính phủ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp khó tiếp cận vay ngân hàng, đồng thời huy động nguồn lực xã hội phục hồi kinh tế. 

Hiện, gói tín dụng mà các ngân hàng đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lúc khó khăn này lên tới 600.000 tỷ đồng. Số tiền giải ngân đã vượt 145.000 tỷ đồng, tuy nhiên không nhiều doanh nhiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn này. Nguyên nhân bởi các điều kiện cho vay khắt khe, doanh nghiệp nhỏ không có tài sản đảm bảo, khó đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay.