Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn trước dịch bệnh Covid - 19

(Dân sinh) - Dịch bệnh Covid - 19 vẫn đang lây lan trên diện rộng, khiến cho các doanh nghiệp bị thiệt hại nhiều mặt, trong đó chuỗi giá trị bị suy giảm, nguy cơ đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc. Đây cũng là thách thức và cơ hội cho các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới.

Doanh nghiệp gặp khó vì thiếu nguyên liệu sản xuất

Tại  phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020 vào ngày 3/3, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một Chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid - 19.

Thủ tướng cho biết, do dịch Covid -19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng.

Các doanh nghiệp có phương án gì trước tình trạng khó khăn hiện nay - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đã hụt nguồn nguyên liệu

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid -19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

Tại TP.HCM, đa số doanh nghiệp, từ dệt may, giày da, thương mại, du lịch… đến sản xuất công nghiệp đều gặp khó khăn khi chuỗi cung ứng hàng hóa đột ngột bị đứt gãy. Nhiều doanh nghiệp đang bị thiệt hại về nhiều mặt, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác...

TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đánh giá, dịch bệnh Covid -19 đang làm kinh tế Việt Nam bị thiệt hại nhiều mặt, nhất là các ngành hàng xuất nhập khẩu, dệt may, cơ khí, du lịch, hàng không… Chuỗi giá trị bị đứt gãy khi nguyên phụ liệu đầu vào, thiết bị sản xuất của nhiều ngành hàng phải nhập từ Trung Quốc nay gián đoạn.

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) - cho biết, các DN thành viên trong Hội DN HVNCLC cũng gặp khó khăn như: dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện và một số DN lĩnh vực chế biến… vì thiếu nguyên liệu.

Đại diện Intel Việt Nam cho biết, Công ty luôn có những kế hoạch để chủ động ứng phó với những tình huống xấu, ảnh hưởng đến sản xuất, nên chưa bị tác động quá lớn do tạm dừng cấp phép các chuyến bay, nhưng cũng thừa nhận, nếu việc vận chuyển hàng hóa tiếp tục gặp khó khăn trong thời gian tới, thì chắc chắn, doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền.

Tại Bình Dương, hiện có hơn 3.700 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 33,8 tỷ USD, là địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Riêng vốn đầu tư Nhật Bản, hiện có 304 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký 5,65 tỷ USD.

Việc gián đoạn đầu vào sản phẩm, nguyên liệu hoặc chậm trễ kéo dài 1 đến 2 tuần, giá nguyên vật liệu tăng cao,... doanh nghiệp nhận định sẽ đứng trước nguy cơ thiếu linh kiện sản xuất. Một số doanh nghiệp hàng tồn kho chỉ đủ sử dụng trong khoảng giữa tháng 3 tới.

Hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn

Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng  thương mại cần tiếp tục chủ động cân đối vốn, mở rộng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, trong điều kiện hiện nay, thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào; bám sát tình hình trong và ngoài nước, trên tinh thần không thay đổi những chủ trương, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm, quán triệt các nội dung đã thực hiện tại đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, tiếp tục theo lộ trình, giải pháp đã đề ra để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong thời gian này.

Các doanh nghiệp có phương án gì trước tình trạng khó khăn hiện nay - Ảnh 3.

“Ngân hàng nhà nước đang phối hợp với bộ, ngành liên quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm tạo điều kiện cho cả tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Trong đó, ngân hàng nhà nước đang tiến hành các thủ tục để ban hành gấp thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Tú cho hay.

Ông Tiết Văn Thành - tổng giám đốc Agribank cho biết theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank sẽ áp dụng thêm các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Nhà nước cần sớm nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp như hoãn giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, ngân hàng giảm lãi suất vay, giãn thời gian trả nợ… Bản thân các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa, đa phương hóa thị trường, tìm kiếm đối tác mới, nguồn cung nguyên phụ liệu mới, tránh quá phụ thuộc và một thị trường, đối tác…

Các doanh nghiệp có phương án gì trước tình trạng khó khăn hiện nay - Ảnh 4.

UBND TP đã yêu cầu Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới

Đại diện một doanh nghiệp có trụ sở tại Bình Dương cho biết, có nhiều nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong giai đoạn hiện nay. Đó là, việc các nhà máy tại Trung Quốc chậm mở cửa hoạt động trở lại, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam còn bị ảnh hưởng do những hạn chế về lưu thông hàng hóa (logistics) và việc hạn chế nhập cảnh của các chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc.

Trước tình hình trên, doanh nghiệp vốn đầu tư Nhật Bản và Đài Loan tại Bình Dương nhận định doanh thu sẽ giảm từ 10 đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh , nhằm ứng phó với dịch Covid-19, UBND TP đã yêu cầu Sở Công Thương tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị và từng ngành hàng, mở rộng thị trường và nguồn cung ứng nguyên phụ liệu mới…