Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hồi ký về Đại đội 1 qua cơn bão số 5

(Dân sinh) - Nhớ lại những ngày này năm 1975. Sau khi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, từ căn cứ sư đoàn 5 Việt Nam Cộng hòa tại TT Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một ( nay thuộc tỉnh Bình Dương ), trung đoàn 186 nhận lệnh hành quân ra đóng quân tại các doanh trại thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Tiếng hát át tiếng mưa

Khi tiến vào Nam đoàn xe, pháo phải đi theo đường Trường Sơn rất gian khổ, hết 20 ngày. Nhưng khi trở ra Bắc, theo quốc lộ 1A chỉ trong 5 ngày là đến, mặc dù hồi đó đường còn xấu và qua nhiều sông lớn bằng phà.

Ổn định đơn vị chưa đầy tháng, chúng tôi lại gặp một thử thách mới - Thiên tai. 21h 00 một ngày chủ nhật, tôi mới nằm xuống. Cơn bão số 5 ập tới, kèm theo là mưa dông, gió lốc, sấm sét. Các dãy nhà lán của đại đội 1, tiểu đoàn 10 ở trên đồi cao tuy đã được chằng chống kỹ, nhưng có vẻ không chịu nổi. Gió hú to dần, lại đổi hướng giật mạnh, mấy chiếc cột nhà to bằng gỗ vặn mình kêu răng rắc. Bỗng nghe tiếng anh Nhàn - đại đội trưởng hô lớn: "Chạy ra ngoài, mau".

Tất cả chỉ kịp ôm ba lô và súng đạn vừa lao ra đến ngoài sân, dãy nhà liền đổ ập xuống ngay sau lưng. Tuy bão không gây thiệt hại gì lớn về người và vũ khí, khí tài. Nhưng suốt cả đêm đó, gần trăm cán bộ, chiến sỹ trong đại đội ai cũng khoác trên người một tấm ni lông, ngồi quây lại với nhau thành từng nhóm dưới trời mưa to, hứng chịu nhiều cơn gió lạnh, đếm từng giờ chờ trời sáng...

Hồi ký về Đại đội 1 qua cơn bão số 5 - Ảnh 1.

Liệt sỹ Trần Nhàn (người giơ tay) (ảnh: Tư liệu)

Chỉ qua một đêm, hầu hết những cơ sở vật chất của đơn vị đã bị cơn bão đi qua san phẳng. Sau đúng 20 năm, đây là lần thứ hai tính từ năm 1955 đóng quân tại tỉnh Vĩnh Phúc, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh trại trong trung đoàn.

Sau đó, chúng tôi phải xây dựng lại nhà ở. Một bộ phận được cử đi hơn 100 km, tận các huyện giáp nước Lào, vào rừng khai thác tre, gỗ. Quần áo bị cây, gai cào móc rách bươm, nhà cửa, giường, chiếu không có. Cứ buổi trưa và hàng đêm, tất cả mọi người lại cùng leo lên mấy chiếc xe ô tô Zin 56 đứng thành hàng tại sân bóng chuyền, nằm kiểu "úp thìa" vào nhau ngủ mặc cho mưa, nắng dãi dầu.

Gian khổ, nhưng tinh thần bộ đội lại khá lạc quan. Dưới ánh màu vàng đỏ của cây đèn bão và những tia sáng le lói của mấy chiếc đèn pin. Hàng tối, đại đội 1 vẫn tập trung ngồi xếp hàng ngoài trời sinh hoạt. Tiếng hát của tập thể hòa cùng tiếng vỗ tay rầm rập, theo nhịp lời bài ca cứ vang lên:

"Vì nhân dân quên mình,

Vì nhân dân hy sinh.

Anh em ơi! Vì nhân dân quên mình ..."

Sốt rét, nổi khiếp sợ của người lính

Do trải qua điều kiện khắc nghiệt trong chiến trường. Sau đó, lại phải gồng mình chống chịu cơn bão số 5 và hậu quả tàn phá của nó để lại, sức khỏe nhiều người trong đơn vị giảm sút rõ. Ký sinh trùng tồn lưu trong máu, nay được dịp trỗi dậy. Các bệnh xá trung đoàn và sư đoàn phải thường xuyên tiếp nhận cấp cứu, điều trị những cán bộ, chiến sỹ bị sốt rét, nhiễm chất độc hóa học. Nhiều người đã không chết trong chiến đấu, nhưng về sau lại bị chết bệnh tật hay tàn phế ... do di chứng.

Một chiều, cơn sốt rét ác tính làm tôi rét run, thân nhiệt lên đến 43 độ C, bất tỉnh, sa gan và lá lách. Tôi được các đồng đội khiêng đi và tỉnh dậy lúc đêm khuya, đầu óc quay cuồng, mồ hôi túa đầm đìa. Ánh sáng chiếc đèn dầu mờ mờ, xung quanh tĩnh lặng. Tôi mơ hồ không biết là đang nằm đâu, khắp mình mẩy đau nhức trên đắp tấm ga trắng toát. Bộ quân phục và đồ lót của tôi, ai đó cắt nát vứt dưới nền đất bên chân giường. Hai cánh tay thì bị cột ghì xuống, ghim cùng các dây truyền thuốc dài loằng ngoằng ...

Theo đó là những ngày dài nằm điều trị tại bệnh xá trung đoàn, rồi đến bệnh viện Quân y 111 tại thị xã Thanh Hóa. Chỉ sau một tháng, từ một người thanh niên khỏe mạnh nặng 56 kg, bị sụt giảm còn 43 kg, gầy nhẳng, môi thâm đen và hai con mắt trắng dã, trông già xọm đi 10 tuổi. Đúng là đã trải qua một trận thập tử nhất sinh. Tôi may mắn thoát ra khỏi chiếc lưỡi hái của tử thần.

Tuần thứ hai ở tại bệnh viện, tôi đột ngột nghe một tin dữ: Đại đội trưởng đại đội 1 Trần Nhàn cũng gặp trận sốt rét ác tính, rơi vào hôn mê sâu giống tôi, nhưng anh đã không qua khỏi. Có lẽ con người sống hay chết là có số? Tỉnh lại sau khi được bác sỹ tiêm thuốc hỗ trợ tim. Mặc dù rất mệt anh vẫn cố nói ngắt quãng trước khi tắt thở: "Hãy phấn đấu giữ vững ... danh hiệu Đơn vị vững mạnh ... Chào các đồng chí tôi đi".

Thượng úy Trần Nhàn đã hy sinh năm 28 tuổi, trong sự tiếc thương của đồng đội, giữa lúc toàn đơn vị đang tập trung xây dựng lại doanh trại. Và, vợ anh - cô giáo trẻ cùng quê ở Nghệ An mang bầu đứa con đầu lòng. Mới ngày nào anh từ chiến trường ra, chị lên thăm, còn cười tươi hát tặng các cán bộ, chiến sỹ trong đại đội nghe bài Trồng cây lại nhớ đến Người.