Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQT xây dựng nông thôn mới (NTM), đã có hàng ngàn hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới diễn ra tại Nam Định sáng 19/10. Ảnh: Đinh Tùng.

Lan tỏa đến nhiều tầng lớp nhân dân

Sáng nay 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQT, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng nhà nước vẫn ưu tiên bố trí nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.  Giai đoạn 2016-2020 cao hơn gần 4 lần so với giai đoạn 2011-2015 và đảm bảo bố trí đủ vốn kế hoạch trung hạn 5 năm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, huyện, xã) đã nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình nên đã quan tâm, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện.

Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của các địa phương đã coi xây dựng NTM là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn; các mục tiêu cơ bản và nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong 2 nhiệm kỳ vừa qua.

Phong trào xây dựng NTM nhờ tuyên truyền vận động nên đã lan toả đến nhiều tầng lớp nhân dân. Trong hơn 9 năm qua, người dân cả nước đã tự nguyện hiến hơn 45 triệu m2 đất để làm NTM.

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Thủ tướng đánh giá cao các gian hàng OCOP.

Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng.

Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn.

Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng NTM, ngay từ những năm đầu, nhiều địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các huyện, xã tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc...

Hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch 10 năm

Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở cũng được các địa phương chú trọng và thường xuyên thực hiện. Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh, định kỳ vào ngày thứ bảy hàng tuần, Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng NTM ở cơ sở.

Một trong những tồn tại, hạn chế của giai đoạn 1 (2011-2015) là tình trạng nhiều địa phương đề phát sinh nợ đọng trong xây dựng NTM, gây bức xúc trong xã hội. Bước sang giai đoạn 2016-2020, Trung ương và địa phương đã tập trung nguồn lực để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản. Chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn NTM khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản…

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 3.

Sau 10 năm xây dựng NTM, diện mạo của nhiều địa phương đã khởi sắc.

Đến thời điểm này, các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch và đã bố trí đủ vốn để thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội và Chính phủ.

Đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm. Đặc biệt, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đã có xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện nay đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM.

Sau 9 năm triển khai Chương trình, cả nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, rất toàn diện, tạo sự thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn, đưa nông nghiệp - nông thôn Việt Nam lên một thế và lực mới.

Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đã có những đổi thay vượt bậc, bộ mặt nông thôn ngày càng được đồng bộ, khang trang từng bước đáp ứng nhu cầu nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân, đồng thời, đang dần bắt kịp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 4.

Thu nhập của người dân nông thôn từng bước được nâng cao.

Kinh tế nông thôn liên tục tăng trưởng khá và chuyển mạnh theo hướng công nghiệp – dịch vụ, ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn và từng bước thu hẹp khoảng cách với đô thị.

Đến nay, cả nước ước có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã tạo ra hơn 4,5 triệu việc làm, chiếm 32,5% lao động của toàn bộ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất tiên tiến, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp, đóng góp lớn cho xuất khẩu, tạo dựng thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế…

Nhiều hộ dân viết đơn xin thoát nghèo

Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018.

Đã có nhiều nơi xuất hiện các hộ gia đình tự nguyện viết đơn xin thoát ra khỏi hộ nghèo, nhất là đối với vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống như Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) có 100 hộ, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có 104 hộ, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) có hơn 100 hộ, huyện Con Cuông (Nghệ An) có 60 hộ, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) có 120 hộ.

Chương trình MTQG xây dựng NTM là một chương trình mới, trong giai đoạn 1 đã phát sinh nhiều khó khăn, hạn chế, song quá trình triển khai quyết liệt, đồng bộ, rộng khắp trong cả nước từ 2016 đến nay.

Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới - Ảnh 5.

Đồng Nai cùng với Nam Định là hai địa phương hoàn thành 100% xã nông thôn mới.

Chương trình  đã thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa nhân văn được cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ, khơi dậy được những lợi thế, tiềm năng của các địa phương và phát huy vai trò chủ thể của người dân, nhất là ở vùng nông thôn.

Đây là Chương trình duy nhất đã hình thành được hệ thống bộ máy tổ chức và cán bộ tham mưu giúp việc thực hiện Chương trình đồng bộ từ Trung ương tới cơ sở hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, là nòng cốt tổ chức thực hiện Chương trình hiệu quả, chất lượng.

Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung và còn khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Nông thôn phát triển chưa đồng đều, kết nối kinh tế nông thôn - đô thị còn yếu; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số nơi xuất hiện tình trạng bê tông hoá nông thôn.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG, nội dung trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền;

Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó, chú trọng khai thác được lợi thế của mỗi vùng, miền; Bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn.

Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa cơ sở và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; Giữ gìn an ninh và trật tự xã hội nông thôn.