Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hơn 2.000 học sinh khiếm thính được học bằng ngôn ngữ ký hiệu

(Dân sinh) - 2.040 học sinh khiếm thính được tiếp cập giáo dục tiểu học bằng ngôn ngữ ký hiệu; 400 giáo viên tiểu học, 100 nhân viên hỗ trợ giáo dục được bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận để giảng dạy môn Toán và Tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu.

Hơn 2.000 học sinh khiếm thính được học bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 1.

Không có ngôn ngữ ký hiệu thì người khiếm thính sẽ không thể hòa nhập được.

Ngày 2/5/2019, Bộ giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định về việc phê duyệt Văn kiện dự án "Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu" (QIPEDC) do Quỹ Hợp tác toàn cầu về tài trợ đầu ra (GPRBA) viện trợ không hoàn lại ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới.

Thời gian thực hiện từ năm 2019 - 2021, dự án được thực hiện tại các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Yên Bái, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Cà Mau, Tiền Giang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Dự án QIPEDC có mục tiêu cụ thể là: Duy trì và tăng tỷ lệ học sinh khiếm thính tiếp cận giáo dục tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt; 2.040 học sinh khiếm thính được tiếp cập giáo dục tiểu học bằng ngôn ngữ ký hiệu; 400 giáo viên tiểu học, 100 nhân viên hỗ trợ giáo dục được bồi dưỡng cấp giấy chứng nhận để giảng dạy môn Toán và Tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu. 2.040 phụ huynh có trẻ tham gia Dự án được bồi dưỡng ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ học sinh khiếm thính; 400 người lớn điếc được bồi dưỡng ngôn ngữ ký hiệu và hỗ trợ học sinh khiếm thính; xây dựng hệ thống học liệu băng hình từ lớp 1 đến 5 môn Toán và Tiếng Việt; tăng số lượng ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt từ 2.000 lên 6.000.

QIPEDC gồm 4 hợp phần: Xây dựng tài liệu dạy học dựa trên kí hiệu ngôn ngữ dành cho giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học; bồi dưỡng giáo viên tiểu học, nhân viên hỗ trợ giáo dục người khiếm thính, người lớn điếc dạy môn Toán và Tiếng Việt bằng ngôn ngữ ký hiệu; hỗ trợ dựa trên kết quả đầu ra cho các trường tiểu học tiếp nhận và dạy trẻ khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu tiếng Việt; quản lý Dự án và xác minh độc lập.

Hơn 2.000 học sinh khiếm thính được học bằng ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 2.

Dạy học bằng ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ khiếm thính.

Từ những năm 2000, Việt Nam bắt đầu triển khai những nỗ lực của mình nhằm hoàn thiện và hệ thống hóa ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam. Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng khẳng định: "Người khiếm thính nghe, nói được học bằng ngôn ngữ ký hiệu". Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 cũng nhấn mạnh nội dung "Nghiên cứu xây dựng và phổ biến hệ thống ký hiệu ngôn ngữ phổ thông sử dụng thống nhất trong toàn quốc, xây dựng tài liệu ký hiệu ngôn ngữ cho các cấp học phổ thông". Các câu lạc bộ, nhóm dạy và sinh hoạt ngôn ngữ ký hiệu bắt đầu hình thành và nở rộ. Một số tài liệu về ngôn ngữ ký hiệu khá công phu xuất hiện như: Bộ 3 tập Ký hiệu cho người điếc Việt Nam, từ điển ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam. Tuy nhiên, việc phát triển ngôn ngữ ký hiệu tại Việt Nam vẫn chưa có sự định hướng rõ ràng trong việc hình thành ngữ pháp để có được những quy luật cơ bản, giúp các ký hiệu giao tiếp đó trở thành một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu thật sự.

Việt Nam hiện chưa tạo ra môi trường thích hợp cho trẻ khiếm thính mầm non phát triển kỹ năng ký hiệu để hiểu và sử dụng ngôn ngữ. Đa số các em không được dạy ký hiệu giao tiếp nên buộc phải học nói theo yêu cầu của cha mẹ, của các cơ sở chăm sóc trẻ. Trong khi đó, khi ra ngoài môi trường giáo dục, trẻ lại bi bô nói chuyện cùng nhau bằng những ký hiệu giao tiếp mà bẩm sinh trẻ khiếm thính đã có hoặc học trong môi trường cộng đồng khiếm thính. Không được dạy, trẻ tự học, tự tạo cho riêng mình vốn ký hiệu, vốn từ nghèo nàn, không khoa học. Vào tiểu học, học sinh khiếm thính cũng không có tiết học ngôn ngữ ký hiệu mà vẫn tự học ký hiệu trong cộng đồng, do vậy vốn từ không phong phú, phát triển ngẫu nhiên. Giáo viên thì không biết hoặc biết quá ít về ký hiệu nên không thể giảng giải, giao tiếp với học sinh. Đây là lý do chính vì sao chất lượng học tập của học sinh khiếm thính Việt Nam không cao.

Hiện Việt Nam đã ban hành Luật Người khuyết tật cùng nhiều văn bản, chính sách liên quan, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước Quốc tế về quyền của người khuyết tật và đang nỗ lực triển khai thực hiện các điều khoản của công ước. Với một hệ thống ngôn ngữ ký hiệu chuẩn, mang đặc trưng của Việt Nam sẽ không chỉ là quyền lợi mà còn là cơ hội để người điếc câm tại Việt Nam giao lưu, học tập và hoà nhập cộng đồng, vươn xa hơn nữa. 

Theo Công ước Quốc tế về các Quyền của Người Khuyết tật (CRPD), ngôn ngữ ký hiệu là ngôn ngữ tự nhiên của người điếc. Một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền của người khiếm thính là quyền sử dụng phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu. Nếu không có ngôn ngữ ký hiệu thì người khiếm thính sẽ không thể hòa nhập được.