Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Hứa lo cho đi xuất khẩo lao động 'chui' để chiếm đoạt hơn 7 tỉ đồng: Cần khởi tố về tội lừa đảo

(Dân sinh) - Liên quan đến vụ việc chị Phạm Thị Hằng (sinh năm 1990), trú tại Khu 6, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cùng 36 lao động tố cáo Phạm Thị Hương móc nối với nhiều đối tượng để thu hồ sơ, chiếm đoạt hơn 7 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận giám định vợ chồng Phạm Thị Hương mang sổ đỏ giả đưa cho bị hại để thế chấp trả nợ...

Mang sổ đỏ giả để thế chấp trả nợ

Như báo Dân Sinh đã phản ánh, tháng 4/2017, chị Phạm Thị Hằng lên Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa và quen Phạm Thị Hương. Dưới vỏ bọc hào nhoáng, Hương tự giới thiệu đang làm bên quản lý thị trường của tỉnh, có bố là Phạm Thanh Bảo sở hữu nhà hàng lớn bên Cộng hòa liên bang Đức. Từ đó, chị Hằng và Hương thường xuyên nói chuyện với nhau qua mạng xã hội.

Tháng 10/2018, hai người gặp lại nhau tại một đám cưới ở Bỉm Sơn. Tại đây, Hương nói đã chuyển công tác ra Trung ương làm việc và nhà hàng bên Đức của bố đang cần nhiều người phục vụ với mức lương hấp dẫn là 60 triệu/tháng.

Hương cũng hứa sẽ đưa 5 người đi qua Đức làm việc dưới hình thức xuất khẩu lao động "chui", nếu đóng tiền sớm thì 20/2/2019 sẽ bay. Tất cả hồ sơ, thủ tục đều do Phạm Quang Hạnh (sinh năm 1983, quê Hải Phòng) là bạn Hương giải quyết.

Thanh Hóa: Vụ đưa người đi xuất khẩu lao động “chui” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng các bị hại vẫn mòn mỏi chờ đời? - Ảnh 1.

Phạm Thị Hương mang sổ đỏ giả để thế chấp trả nợ (Ảnh: do Phạm Thị Hằng cung cấp)

Hương tiếp tục giới thiệu chị Hằng gặp Phạm Quang Hạnh. Gặp chị Hằng, Phạm Quang Hạnh tiếp tục môi giới có thể đưa người qua Đức làm cơ khí ô tô và điều dưỡng.

Qua nhiều lần gặp nhau, tư vấn của Hương và Hạnh, chị Hằng đã đưa 5 người thân trong gia đình trực tiếp gặp Hương và Hạnh để nộp hồ sơ và nộp tiền mỗi người từ 185 đến 243 triệu đồng. Sau đó, chị Hằng đã gom hồ sơ và trực tiếp nhận tiền của 32 người nộp cho Hạnh và Hương. Tổng số tiền của 37 người nộp cho Hạnh và Hương là 7,031 tỷ đồng.

Sau khi có tiền, các đối tượng bắt đầu sử dụng chiêu "câu giờ" với hàng tá lý do: Thủ tục cấp visa chậm, chạy bằng B2 tiếng Đức khó khăn nên đã lùi ngày bay từ 25/2/2019 tới 25/5/2019 và 02/6/2019…

Ngày 17/05/2019, Hương thuê người đóng giả là người thân của mình hẹn các lao động gặp nhau tại Khách Sạn Kim Liên (Hà Nội) để đưa hồ sơ và tiền chính sách (số tiền người lao động được quyền vay sang Đức). Khi gặp nhau, thấy sự việc đáng ngờ nên chị Hằng báo cho cơ quan chức năng. Công an phường Phương Mai đã đến lập biên bản vụ việc.

Ngày 22/5/2019, Hương hẹn gặp người lao động tại thị xã Bỉm Sơn để xin lỗi và hoàn trả lại số tiền, cùng đi với Hương có Nguyễn Hữu Long (sinh năm 1985, chồng Hương). Hương giải thích việc chậm đi Đức không hợp lý nên mọi người yêu cầu hai người lên Công an thị xã Bỉm Sơn để giải quyết.

Tại cơ quan công an, vợ chồng Hương cam kết sẽ trả lại tiền cho 37 người. Do chưa xoay được tiền nên vợ chồng Hương xin để lại 3 sổ đỏ và hứa 28/5/2019 sẽ trả đủ. Đến hẹn, 2 vợ chồng Hương chỉ trả được 2 tỷ, còn lại hơn 5 tỷ đồng hứa đến 12/6, thất hẹn tới 19/6 và 27/6… 

Thanh Hóa: Vụ đưa người đi xuất khẩu lao động “chui” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng các bị hại vẫn mòn mỏi chờ đời? - Ảnh 2.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa giám định sổ đó Hương thế chấp trả nợ là sổ giả

Ngày 9/12/2019 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 4548/CSĐT-PC01 thông báo kết luận giám định: "Hình dấu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội" trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CA 666023 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Nguyễn Hữu Nghĩa không phải là chữ ký của ông Nguyễn Hữu Nghĩa- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Hình dấu UBND thành phố Thanh Hóa trong Giấy chứng nhận QSDĐ số CL722372 được làm bằng phương pháp in màu; Chữ ký đứng tên Lê Văn Tú không phải là chữ ký của ông Lê Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa".

Thanh Hóa: Vụ đưa người đi xuất khẩu lao động “chui” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng các bị hại vẫn mòn mỏi chờ đời? - Ảnh 3.

Chứng từ giao dịch mà Hằng đã chuyển tiền vào tài khoản cho Phạm Thị Hương (bà Hằng cung cấp)

Có dấu hiệu "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Hành vi của Phạm Thị Hương có dấu hiệu phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì trước khi Hương lấy tiền của các nạn nhân đã giả dối giới thiệu là cán bộ, có khả năng đưa được các nạn nhân sang nước Đức để lao động, để các nạn nhân tin tưởng đưa tiền cho Hương. Sau khi bị hại tố cáo, Hương tiếp tục dùng sổ đỏ giả để lừa các nạn nhân là mình có khả năng trả lại tiền chứng tỏ người này tiếp tục lừa dối các nạn nhận. Không có căn cứ hay mối liên hệ nào giữa ông Bảo với Hương và nhờ người sang làm việc. Những người môi giới, trung gian đều do Hương tạo dựng nên để lừa người lao động.

Việc Phạm Thị Hương và cùng chồng là Nguyễn Hữu Long trả cho người dân 2 tỷ đồng vào ngày 28/5/2018 là hành vi bồi thường một phần thiệt hại, là biện pháp khắc phục một phần hậu quả. Do không còn tiền, vợ chồng Hương đưa cho người lao động 3 sổ đỏ (2 sổ là giả mạo) để người lao động tin tưởng không tố cáo. Cơ quan điều tra cần làm rõ, xử lý thêm tội "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" đối với vợ chồng Phạm Thị Hương.

Những nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền nhiều tỷ đồng đang "mòn mỏi" chờ đợi cơ quan chức năng làm rõ.

"Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị hại không biết được có hành vi gian dối; Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình ảnh… hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.

Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính xác về tội phạm.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Thực tế việc chứng minh ý thức chiếm đoạt của người phạm tội thường căn cứ vào tài sản thực có, tình trạng tài chính, nhu cầu tài sản của người phạm tội kết hợp với lời khai nhận của người phạm tội như thế nào.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra không khởi tố vụ án, khởi tố bị can là có dấu hiệu để lọt tội phạm. Hậu quả các đối tượng trong nhóm của Hương để lại rất lớn, khiến tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp, đời sống người dân bị đẩy vào hoàn cảnh bi đát, xói mòn về lòng tin". Luật sư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

Thanh Hóa: Vụ đưa người đi xuất khẩu lao động “chui” chiếm đoạt nhiều tỷ đồng các bị hại vẫn mòn mỏi chờ đời? - Ảnh 5.

Chị Phạm Thị Hằng rất mong cơ quan điều tra sớm đòi lại công bằng cho mình và 36 lao động

Trao đổi với phóng viên báo Dân Sinh, chị Phạm Thị Hằng than thở: "Vì quá tin người nên tôi đã thiếu suy nghĩ, vay mượn nhiều nơi để có tiền đưa cho chị Hương. Tôi còn làm khổ cả nhiều người thân nữa chứ. Cứ nghĩ giúp được người thân có cơ hội tìm được việc làm thu nhập cao ở Đức, ai ngờ! Giờ thì trắng tay hết rồi, không chỉ mất tiền, mà gia đình tôi còn ly tán. Vợ chồng tôi đã ly hôn rồi, giờ tôi biết sống sao đây. Mong các cơ quan giúp tôi sớm đòi lại công bằng".