Quay lại Dân trí
Dân Sinh

“Khát vọng kinh tế Việt Nam 2020 – Làm sao biến khát vọng thành hiện thực?”

Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần XII ( 2016-2020) một trong những mục tiêu của giai đoạn phát triển 2016-2020 là Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%.

Trong 4 năm qua GDP bình quân đã đạt 6,78% và đặc biệt trong hai năm qua GDP vượt 7% (2018: 7,08% và 2019: 7,02%). GDP bình quân cho thời kỳ kế hoạch có khả năng đạt mục tiêu 6,5-7% theo Nghị quyết lần thứ XII. Riêng năm 2019 GDP đạt 267 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 2,786 USD. Theo cách tính lại GDP của Cục Thống kê thì GDP 2019 có thể đạt trên 300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 có thể lên đến 3.000 USD, đang tiến sát mục tiêu của Nghị quyết. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong năm 2019 đạt 76,13%, tương đối còn xa mục tiêu 85% nhưng có khả năng đạt được trong vòng 3 năm tới.

“Khát vọng kinh tế Việt Nam 2020 – Làm sao biến khát vọng thành hiện thực?” - Ảnh 1.

Nền kinh tế Việt Nam tỏa sáng trong năm 2019.

Năm 2019 cũng ghi nhận những kết quả khả quan khác bao gồm năng lực lao động cho năm 2019 (tính trên GDP đầu người cho mỗi lao động đang làm việc) đạt 4.791 USD (110,4 triệu). Kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đạt 517 tỷ USD với xuất siêu trên 10 tỷ USD. Tỉ lệ nợ công/GDP giảm từ 63,7% năm 2018 xuống 56,1% năm 2019, thấp so với mức trần 65% mà Quốc hội đã đề ra. Xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam được tăng 10 bậc trong năm 2019 nâng lên hạng 67 trong tổng số 141 nền kinh tế được đánh giá. Năm 2019 lượng kiều hối kỷ lục đổ về nước với 16,7 tỷ USD, một nguồn lực tài chính rất quan trọng cho Việt Nam bên cạnh các nguồn tài trợ ODA và nguồn đầu tư FDI, cân bằng cán cân thanh toán. Cùng với kiều hối, dự trữ ngoại hối cũng tăng lên mức kỷ lục. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua vào 20 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối quốc gia lên gần 80 tỷ USD, mức cao nhất của dự trữ ngoại hối trong nhiều năm qua. Tỷ giá USD cũng được duy trì ở mức ổn định cho cả năm 2019, đánh dầu một năm thành công trong chính sách ngoại hối của NHNN.

Đặc biệt trong vài năm qua Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có CPTPP và EV FTA là những hiệp đinh thương mại tự do ở mức độ cao nhất. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài và du khách quốc tế.

Nhìn chung Việt Nam đã đạt 12 chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra cho năm 2019 và có khả năng đạt được phần lớn các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết Đại hội đảng XII. Dựa vào những thành tựu trên Chính phủ cho rằng trong khi nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn thì Việt Nam tận dụng được những lợi thế của một nền kinh tế năng động và "tỏa sáng" với sự phát triển bền vững và ổn định.

*Nhưng đâu là những thách thức cho nền kinh tế Việt Nam?

Với GDP 2019 đạt 267 tỷ USD và GDP bình quân đầu người 2019 đạt 2,786 USD qui mô của nền kinh tế Việt Nam còn rất khiêm tốn. Theo số liệu của IMF 2019 thì Việt Nam xếp hạng 46 trong 211 quốc gia được thống kê dựa trên GDP. Trong khối ASEAN Việt Nam xếp hạng 6, chỉ trên Myanmar, Campuchia và Lào về GDP và hạng 7 về GDP bình quân đầu người, chỉ trên Campuchia và Myanmar. Mặc dầu Việt Nam đã lọt vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, nhưng vẫn thuộc vào nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình "thấp" (Thu nhập bình quân đầu người GNI từ 1.026 USD đến 3.995 USD). Theo các nghiên cứu khoa học, một khi đã vào nhóm các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp, các quốc gia trong nhóm này rất khó khăn để nhảy vào nhóm các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người "cao" (3.996 USD – 12.375 USD). Sự khó khăn này được các nhà kinh tế gọi là "Bẫy các quốc gia có thu nhập trung bình thấp". Trong khối ASEAN Việt Nam, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar nằm trong khối có GNI thấp. Trong khối này trình độ phát triển kinh tế còn thấp và tiến trình công nghiệp hóa chậm hơn nhiều so với các quốc gia trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Sự tăng trưởng kinh tế cũng chủ yếu dựa vào xuất nhập khẩu, mà xuất khẩu lại chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp FDI. Kim ngạch XNK của Việt Nam năm 2019 đạt 517 tỷ USD gần gấp đôi GDP (267 tỷ USD), trong đó xuất khẩu chiếm hơn một nửa, 263 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Một mặt, việc các doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn vào xuất khẩu và từ đó vào tăng trưởng GDP, nhưng mặt khác việc lệ thuộc vào khối FDI là một rủi ro và bất lợi cho nền kinh tế vì các doanh nghiệp này có thể rút khỏi Việt Nam nếu điều kiện kinh doanh không thuận lợi hay các nhà đầu tư thay đổi chiến lược kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, Việt Nam thất thu thuế trong những năm qua qua hành động "chuyển giá" của các doanh nghiệp này và Việt Nam chưa tận dụng được sự chuyển giao công nghệ từ các FDI.

Điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng là một điểm bất lợi. Với cả ba công ty chấm điểm tín nhiệm quốc gia toàn cầu Moody’s, Standard & Poors và Fitch Ratings thì điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức "Non-investment grade/speculative" (Không thuộc bậc nên đầu tư và mang tính đầu cơ). Các nhà đầu tư và tài trợ quốc tế thường dựa vào điểm tín nhiệm là một trong những tiêu chí quan trọng để đưa ra những quyết định đầu tư. Đầu tư vào các quốc gia ở mức độ tín nhiệm này thường không được xem là hấp dẫn hay nếu có đầu tư nhà đầu tư thường đòi hỏi một lãi suất hay một tỷ lệ sinh lời cao để bù trừ cho rủi ro đầu tư.

Quay về với tình hình tài chính và ngân hàng trong nước, các ngân hàng có vẻ "ăn nên làm ra" trong năm 2019. Tuy nhiên, tín dụng toàn ngành chỉ tăng trưởng ở mức 12,1%, thấp hơn mức 13,3% của cùng kỳ năm 2018 cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, và thấp hơn mục tiêu NHNN đề ra là 14%. Điểm tích cực của tăng trưởng tín dụng thấp là giảm thiểu rủi ro từ tăng trưởng nóng dẫn đến nợ xấu, nhưng ở chiều ngược lại nền kinh tế sẽ thiếu vốn vì cả nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tin dụng ngân hàng. Thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn rất hạn chế trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác. Việc các ngân hàng (NH) phải cung cấp các nguồn vốn trung và dài hạn lại tạo ra rủi ro thanh khoản cho các NH vì một nửa nguồn vốn huy động của các NH là vốn ngắn hạn. Dùng vốn ngắn hạn (cho đến 12 tháng) mà tài trợ cho các khoản vay và đầu tư trung và dài hạn có khả năng đưa các NH vào tình trạng thiếu hay mất thanh khoản. Chính vì thế NHNN vừa đưa ra quyết định giảm tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30% với một lộ trình giảm dần trong vòng 3 năm. Điều này sẽ tiếp tục thắt chặt nguồn vốn tín dụng cho các lãnh vực cho vay bất động sản, dự án và sẽ tác động đến tiến trình công nghiệp hóa của các doanh nghiệp, một tiến trình đòi hỏi vốn vay và vốn đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, những biện pháp thắt chặt của NHNN trong đó có cả việc áp dụng Thông tư 41, giai đoạn đầu trong quá trình áp dụng Basel II, là cần thiết để cơ cấu lại hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

* Hoạt động ưu tiên cho năm 2020 đóng góp cho việc triển khai Nghị quyết Đại hội đảng XII

Trong khuôn khổ giới hạn của bài viết này một vài hoạt động sau đây liên quan đến tài chính ngân hàng được xem là quan trọng trong việc triển khai Nghị quyết:

Tăng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

Điểm tín nhiệm của Việt Nam cần được cải thiện từ mức Non-investment hiện nay lên mức Investment: cụ thể với Standard & Poor’s từ mức BB hiện nay lên 2 hạng lên mức BBB-, Moody’s từ Ba3 hiện nay lên 3 hạng lên Baa3 và Fitch Ratings từ BB hiện nay lên 2 hạng lên mức BBB-. Dĩ nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm không thuộc sự kiểm soát của chính phủ, nhưng chính phủ cần đưa ra những kế hoạch cải tổ để các công ty xếp hạng tín nhiệm xem xét và nâng hạng.

Các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng (TCTD) đã được NHNN phê duyệt

Các NHTM cần quyết liệt thực hiên các phương án này, đồng thời áp dụng Thông tư 41 của NHNN qui định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Hiện nay vẫn còn một số các ngân hàng yếu kém, và nếu áp dụng Thông tư 41 thì nhiều ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. NHNN nên xem xét việc nới room cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa 20% cho một nhà đầu tư nước ngoài và 30% cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay không đủ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các NH Việt Nam mà theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài có độ rủi ro rất cao.

Năm nay NHNN cũng nên cân nhắc lên kế hoạch thi hành các qui định về phá sản một TCTD. Cuối năm 2017, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng cho phép các tổ chức tín dụng được phép phá sản. Tuy Luật đã có, nhưng trong hai năm qua chưa được thi hành. Việc cho ngân hàng phá sản là một vấn đề rất nhậy cảm liên quan đến sự an toàn hệ thống và tâm lý thị trường và có thể các cơ quan quản lý và ngay cả tòa án chưa chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thi hành một điều khoản luật chưa có tiền lệ. Tuy nhiên, các ngân hàng yếu kém sẽ không chịu nhiều áp lực để cải tổ hay tự nguyện sát nhập nếu Luật phá sản ngân hàng chỉ có trên giấy trắng mực đen. NHNN nên đưa ra một lộ trình thực hiện Luật phá sản ngân hàng trong vòng 3 năm tới.

Kiềm chế tín dụng đen

Trong khi và các ngân hàng hạn chế hoạt động tín dụng vì những qui định NHNN liên quan đến Basel II, room tin dung và thanh khoản của tổ chức tín dụng có hiệu lực 2020, thì nhu cầu vay tiền của cá nhân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp lại đang gia tăng mạnh. Tình trạng này sẽ đẩy nhiều thành phần kinh tế không có khả năng vay từ các TCTD vào những hoạt động vay nóng, gọi chung là "tín dụng đen". Tín dụng đen là hoạt động cho vay lãi nặng, làm cho người vay tiền lâm vào tình cảnh khánh kiệt về tài chính. Tín dụng đen cũng làm gia tăng tỷ lệ các vụ án như cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, giết người, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Hệ thống luật pháp cần hoàn thiện những qui định về việc xử lý tín dụng đen, ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan hoạt động tội phạm này. NHNN và các cơ quan chức năng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, nhất là các quy định về giao dịch, vay mượn sử dụng vốn an toàn, thủ đoạn liên quan đến cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê; lập chuyên án tấn công trấn áp tội phạm, triệt phá các tổ chức băng nhóm tội phạm, các đường dây lợi dụng "tín dụng đen", cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Năm 2020 là năm cuối cùng cho giai đoạn phát triển 2016-2020. Trong 4 năm qua Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong việc phát triển kinh tế, tạo tiền đề cho kết quả của năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển 5 năm. Tuy nhiên, năm 2020 đã bắt đầu với những khủng hoảng chính trị, quân sư và kinh tế trên thế giới. Nhiều khả năng 2020 sẽ đem đến nhiều rủi ro hơn cho nền kinh tế toàn cầu và ngay cả cho Việt Nam. Ngay từ đầu năm Chính phủ và các thành phần kinh tế cần có những kế hoạch để đối phó với những tình huống xấu nhất có thể.