Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư

(Dân sinh) - Phải nói rằng từ khi có sự xuất hiện của các tòa nhà chung cư cao tầng khiến cho diện mạo của Hà Nội trở nên văn minh, hiện đại hơn. Thế nhưng với sự phát triển ồ ạt các dự án chung cư cao tầng đã khiến cho bộ mặt đô thị trở nên méo mó, không gian ngày càng kẹt cứng, bức bách, tù túng…

1 km đường "cõng" 20 dự án nhà chung cư

Nhằm giảm tải sức ép giao thông lên tuyến đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) đi về Hà Đông, Hà Nội mở tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Tháng 10/2010, con đường này (nay là đường Tố Hữu) dài 2,7 km khánh thành được xem là tuyến đường kiểu mẫu, huyết mạch cho trục phía Tây Nam Hà Nội. Tuy nhiên, chỉ sau gần 6 năm đi vào sử dụng, người dân bắt đầu khiếp sợ mỗi lần di chuyển qua đây. Nguyên nhân chính bởi có đến 40 dự án "cao ốc" từ: 25 – 35 tầng mọc lên 2 bên tuyến đường. Dễ dàng điểm tên hàng loạt các tòa nhà đã hoàn thành, như: Tòa tháp The Light Tower, Chung cư Bắc Hà, Tây Hà, Chung cư C14... Mặc dù hạ tầng đã quá tải, tắc đường là tình trạng xảy ra hàng ngày vào những khung giờ cao điểm tại tuyến đường này, thế nhưng các dự án bất động sản vẫn đua nhau mọc lên  chưa có dấu hiệu dừng lại.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 1.

Cách đó không xa là con đường Nguyễn Tuân chỉ dài hơn 1km nhưng đang phải gánh hơn 20 tòa nhà chung cư cao tầng, gây quá tải và ùn tắc. Trong đó, đầu tiên có thể kể đến dự án Goldseason 47 Nguyễn Tuân. Dự án có tổng diện tích quy hoạch 22.000 m2, mật độ xây dựng 36,4%, với  quy mô gồm 4 tòa nhà. Cách đó không xa là dự án Thống Nhất Complex tọa lạc tại số 82 Nguyễn Tuân do Công ty TNHH Thống nhất – Bắc Việt. Tổng diện tích lô đất dự án khoảng 17.829 m2, diện tích xây dựng 13.178 m2, quy mô dân số khoảng 1.355 người.

Tiếp đến, chung cư The Legend 109 Nguyễn Tuân là tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng, trường mầm non và nhà ở với Tổng diện tích khu đất là 5.579 m2, diện tích xây dựng 2.997 m2, tổng diện tích sàn khoảng 60.000 m2 với mật độ xây dựng 53,7%.  Nằm ở khu vực cuối đường Nguyễn Tuân, giao với đường Lê Văn Lương là dự án tòa nhà văn phòng HUD Tower của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị làm chủ đầu tư. Công trình có 3 tầng hầm, phần nổi gồm hai khối nhà cao 32 tầng và 27 tầng; diện tích khu đất khoảng 6.500 m2; tổng diện tích sàn 70.855 m2.

Qua hai thập kỷ (1999 – 2019), cả nước có trên 3.000 tòa chung cư cao tầng đã được xây dựng, phần lớn tập trung ở TP. HCM và Thủ đô Hà Nội. Đại đa số các trường hợp là chung cư 25 – 35 tầng, số lượng căn hộ dao động trong khoảng 300 – 700 căn/tòa.

Ngoài ra, còn nhiều dự án khác phân bố rải rác quanh khu vực đường Nguyễn Tuân như dự án Golden Land; chung cư 63 Nguyễn Huy Tưởng; dự án Imperia Garden; dự án Việt Đức Tower hay dự án Comatec Tower…

Không chỉ các tuyến phố, con đường bị các dự án nhà chung cư "bủa vây" mà ngay cả những ngõ nhỏ cũng không tránh khỏi. Điển hình cho tình trạng này là ngõ 102 Trường Chinh, quận Đống Đa. Con ngõ nhỏ với hai xe ô tô tránh nhau đã gây ùn tắc này có tới hai chung cư được xây dựng. Đó là dự án MeCo Complex, xây dựng trên diện tích khoảng 22.000m2, với gần 500 căn hộ gồm nhiều block đã đưa vào sử dụng từ năm 2013. Cách đó vài chục mét là dự án Capital Garden, do Tập đoàn Kinh Đô TCI làm chủ đầu tư, bao gồm 21 tầng nổi, 2 tầng trung tâm thương mại và 3 tầng hầm. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 3.000 người chuyển đến sinh sống tại đây, đó là chưa kể số lượng ô tô, xe máy dồn về khu vực.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 3.

Chị Nguyễn Mai Thúy ở đường Trường Chinh cho biết: " Ngõ nhỏ, phố nhỏ lại nhồi thêm chung cư. Đường sá trước kia chưa có nhà đã tắc nay nhà chung cư mọc lên đường càng thêm chật cứng. Ở trong nhà thì quanh quẩn trong 4 bức tường, ra đường thì khói, bụi, kẹt xe. Chỉ khổ cho những người già không có chỗ yên tĩnh để thư giãn, trẻ con không có chỗ để chơi".

Một địa điểm khác tại Hà Nội cũng đang chịu áp lực lớn từ việc hạ tầng không theo kịp sự gia tăng dân số là tuyến phố Triều Khúc (quận Thanh Xuân). Với lòng đường nhỏ hẹp (chiều rộng chưa đầy 6m), nhà cửa san sát, phố Triều Khúc từ lâu đã nổi danh về sự chật chội và nạn tắc đường. Thế nhưng, tuyến phố này hiện còn "cõng" trên mình số lượng vài trăm căn hộ cao cấp thuộc Dự án Diamond Blue (số 69) và tổ hợp liền kề - cao tầng Pandora (số 53)


Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 5.

Mỗi năm tăng thêm 200.000 người

Thông tin từ Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội mới đây cho biết, trung bình mỗi năm, dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương 1 huyện lớn. Không tính người dân vãng lai về Hà Nội làm ăn theo mùa vụ, mật độ dân số trung bình hiện nay của Hà Nội khoảng mật độ dân số trung bình là 2.279 người/km2.

Mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người (lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030). Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm thì đến năm 2020 dân số ước tính sẽ là: 10.489.772 người (gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt quá xa so với dự kiến.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đề ra nhiệm vụ hạn chế sự gia tăng dân số cơ học trong khu vực nội đô lịch sử nhưng qua giám sát, tổng dân số trung bình của 4 quận này vẫn tăng đều qua các năm (từ năm 2013 đến năm 2017).

Cụ thể, năm 2013, tổng số dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là 966.806 người; năm 2014, dân số là 1,09 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 113,21%) và đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 117,33%). Dân số ở các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh tăng đều hàng năm và vượt quy hoạch. Đến năm 2017, tổng số dân số trung bình của các quận, huyện Long Biên, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh là khoảng 3,58 triệu người, vượt quá Quy hoạch cho phép khoảng 1,88 triệu người. Dân số Hà Nội tăng nhanh ở cả nội thành và ngoại thành, nhưng tăng mạnh nhất là ở những quận có các khu đô thị mới. Thống kê cho thấy, số lượng người nhập cư vào các quận Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân là khá cao, năm 2013 là 33.869 người, đến năm 2017 là 78.097 người.

Điển hình của tình trạng này là quận Hà Đông. Với diện tích gần 48 km2, Hà Đông là quận rộng nhất Hà Nội. Diện tích rộng là vậy, nhưng chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm khu chung cư đã mọc lên, nhà cao tầng dày đặc, sát sàn sạt các trục đường lớn.

Dân số Hà Đông năm 2006 (trước khi sáp nhập về Hà Nội) chỉ 9,6 vạn, hiện nay trên 35 vạn.

Theo UBND TP.Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có 1.075 nhà, công trình cao tầng, chung cư cao tầng. Chung cư cao tầng không chỉ phát triển ở các quận đường vành đai 2, 3 mà hiện nay cả trong 4 quận trung tâm nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng khiến dân số ở nội đô không những không giảm mà tiếp tục tăng. Qua thống kê sơ bộ trong năm 2017 cho thấy, quận Ba Đình có 7 dự án chung cư cao tầng, quận Đống Đa có 7 dự án, quận Hai Bà Trưng có 6 dự án.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 7.

Ruộng thành nhà, đường thành sông

Với chiều dài gần 30 km, rộng 140 m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe, 2 dải đường đô thị 2 làn xe cùng dải phân cách giữa, đại lộ Thăng Long trở thành đại lộ dài nhất Việt Nam. Sau khi con đường này được hoàn thành, hàng loạt khu đô thị nằm dọc trục đường Lê Trọng Tấn, khu vực đại lộ Thăng Long có quy mô lớn như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh 288 ha; Khu Bắc An Khánh trên 250 ha, Khu Dương Nội... đã được mọc lên trên những cánh đồng lúa. Nhưng dù đã được xây dựng cả chục năm nhưng hệ thống hạ tầng; trong đó có hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ khiến những cư dân ở đây vẫn phải sống trong cảnh "cứ mưa to là rẽ sóng ra khơi, đi thuyền trên phố".

Lý giải về nguyên nhân gây ngập úng, đại diện chính quyền các phường, xã quận Hà Đông, huyện Hoài Đức nơi có các khu đô thị trên cho rằng, toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực phía Tây và dọc đại lộ Thăng Long hiện đang phụ thuộc vào việc tự chảy. Hệ thống thoát nước đều được dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, con sông này cũng như các kênh, mương khác đều là thoát nước bán nông nghiệp chứ không phải làm nhiệm vụ chống ngập cho đô thị.

Đánh giá về tình trạng ngập úng tại khu vực đại lộ Thăng Long, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, ở đây có hai nguyên nhân cơ bản. Thứ nhất là các khu chung cư, khu đô thị mới càng xây về phía Tây; Tây Nam thì càng ngập nhiều, đặc biệt là phía Hà Đông, Hoài Đức. Bởi hầu hết các khu đô thị mới ở khu vực trên đều được xây dựng trên cơ sở các hồ ao, ruộng lúa. "Trước đây, nông dân rất có kinh nghiệm, chỗ nào trũng thì mới trồng lúa, còn cao ráo thì trồng hoa màu, cây cối. Ở cạnh đó, thường có ao hồ nhưng chúng ta lấp đi để xây dựng khu đô thị mới nên không còn chỗ thoát nước.

Thứ hai, theo KTS Tùng, nguyên tắc khu đô thị đều phải có khu xử lý nước thải trước khi đấu nối với hệ thống chung của thành phố. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm áp đẩy, chuyển nước lên. Nhưng ở đây các chủ đầu tư khi làm đô thị chỉ chăm chăm lo xây nhà, chia lô để bán. Thậm chí, ăn bớt mà không ai giám sát cả, cho nên hệ thống đấu nối của các chủ khu đô thị này nối thẳng vào đường ống, bất kể khả năng đường ống đó chịu được bao nhiêu. Cho nên, việc Hà Nội bị ngập lụt nặng ở khu vực phía Tây theo ông là tất yếu.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 8.

 “Bài ca” thiếu trường

Trong bối cảnh nhà chung cư phát triển khắp nơi, dân số cơ học tăng nhanh, quy hoạch mạng lưới trường học không theo kịp quá trình đô thị hóa tình trạng quá tải tại các trường công lập vẫn chưa có giải pháp khắc phục.

Theo ông Phạm Văn Đại,  Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, nhìn chung, năm học 2019 - 2020, Hà Nội tăng khoảng 30.000 học sinh vào lớp 1 so với số học sinh lớp 5 ra trường; học sinh vào lớp 6 THCS tăng khoảng 2.000 em. Tình trạng học sinh "đầu vào" tăng không trải đều trên toàn thành phố mà tập trung ở một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa hoặc di dân cao. Quận Thanh Xuân dự báo tăng khoảng 3.000 học sinh ở các cấp học; tại quận Hà Đông, dự kiến tăng thêm 2.450 học sinh mầm non, 3.759 học sinh cấp tiểu học so với năm 2018-2019; tỷ lệ học sinh/lớp trung bình ở khối trường công lập bậc tiểu học là 52,4 ở bậc mầm non.

Nhìn lại năm học 2018 - 2019, mặc dù Hà Nội  đặt mục tiêu "3 giảm" (giảm sĩ số học sinh/lớp, số lớp/trường học, giảm học sinh trái tuyến) tuy nhiên tại quận Cầu Giấy, các trường như Dịch Vọng A, Dịch Vọng B, Nghĩa Tân, Nghĩa Đô… có sĩ số trên 60 học sinh/lớp. Tại quận Thanh Xuân, tiểu học Đặng Trần Côn có sĩ số tới 62 học sinh/lớp, Khương Đình: 65 học sinh/lớp, Nguyễn Trãi: 66 học sinh/lớp, Nhân Chính tới 68 học sinh/lớp.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 9.

Tại quận Hoàng Mai, trường tiểu học Chu Văn An có số trẻ lớp 1 nhập học cao kỷ lục với hơn 1.000 học sinh. Do đông học sinh mà phòng học không đủ, trường đã phải tổ chức mô hình học 4 buổi thay vì 5 buổi/tuần. Hoàng Mai cũng là quận có đông học sinh phải học luân phiên vào thứ 7 nhiều nhất thành phố.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết, khi mới thành lập vào năm 2008, quận Hoàng Mai mới có 18 vạn dân. Đến nay, dân số của quận đã tăng lên trên 40 vạn người. Bên cạnh đó, chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt các tòa chung cư cao tầng xuất hiện với sức chứa hàng chục vạn dân tạo sức ép khủng khiếp lên hệ thống trường học.

Khi Hà Nội "oằn mình" với nhà chung cư - Ảnh 10.

Đơn cử như tại "điểm nóng" phường Hoàng Liệt đã có khoảng 80 tòa chung cư đi vào sử dụng, trong đó nhiều tòa cao tới 45 tầng. Đó là lý do theo kế hoạch tuyển sinh được UBND quận phê duyệt, năm học 2018 - 2019 trường tiểu học Chu Văn An có chỉ tiêu tuyển sinh khoảng hơn 900 học sinh. Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, khi nhiều hộ dân chuyển tới sinh sống tại các chung cư đã kéo theo nhu cầu được vào học lớp 1 của khoảng 200 trẻ, nâng tổng số học sinh khối lớp 1 của trường lên hơn 1.100 em.

Tương tự, Hà Đông cũng là 1 trong những quận có tốc độ tăng dân số cơ học cao. Trong khi đó, một số địa bàn như phường Văn Quán hiện đã không còn quỹ đất để xây mới trường. Cũng vì trường không có đủ phòng học nên nhiều năm qua, học sinh trường tiểu học Nguyễn Du, phường Văn Quán phải học luân phiên hoặc học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên…

Năm 2018, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội đã khảo sát về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, có tới hơn 40 dự án chưa được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học.