Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu

(Dân sinh) - Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45% theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc. Người đứng đầu Chính phủ thông tin, với tỷ lệ hộ nghèo này, nhà lãnh đạo Myanma trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhận xét là “đáng kinh ngạc”. Thông tin này được Thủ tướng đưa ra tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2019, và ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của cộng đồng doanh nghiệp và các đại biểu có mặt.

Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45%: con số đáng kinh ngạc

Sáng nay (23/12), Hội nghị Thủ tướng với đại diện của cộng đồng hơn 700.000 doanh nghiệp diễn ra với chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững". Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 với doanh nghiệp kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức năm 2016.

Tới dự sự kiện năm nay còn có 3 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng một số Bộ trưởng, trưởng ngành, lãnh đạo địa phương cũng tham dự sự kiện.

Trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng dành khoảng 20 phút tham quan các gian hàng triển lãm một số sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam. Tại đây, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, công nghệ, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp, ngân hàng... trưng bày sản phẩm.

Theo khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị được giao chủ trì tổ chức Hội nghị, thì phát triển doanh nghiệp chính là động lực để nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.

Số liệu thống kê cho thấy, những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp Việt đã không ngừng lớn mạnh. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và lượng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế không ngừng gia tăng.

Bên cạnh đó, những năm gần đây, cơ cấu quy mô doanh nghiệp cũng được chuyển dịch theo hướng tích cực, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất để phát triển kinh tế, vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu, động lực cạnh tranh, sáng tạo mạnh mẽ nhất và là lực lượng tiên phong đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.

"Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc", Thủ tướng khẳng định.

Nêu lên những thành tựu quan trọng của đất nước năm 2019 và nhấn mạnh sự đóng góp của các doanh nghiệp vào kết quả đó, Thủ tướng trân trọng cảm ơn những đóng góp to lớn, thầm lặng của các doanh nghiệp chân chính đối với sự phát triển của đất nước.

Dù chưa đến 10 ngày nữa kết thúc năm 2019, Thủ tướng đưa ra một số thông tin tổng thể về kết quả kinh tế - xã hội. Ông cho biết dù bối cảnh khu vực và toàn cầu suy giảm tăng trưởng, GDP Việt Nam vẫn tăng trên 7%, thuộc hàng cao nhất khu vực và thế giới.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết năm 2019, Việt Nam tiếp tục duy trì môi trường kinh doanh vững chắc, lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá ổn định. Cán cân thương mại thặng dư kỷ lục trên 9 tỷ USD. Đặc biệt lần đầu tiên Việt Nam đạt cán đích xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD, một kỷ lục chưa từng có.

Cuộc sống nhân dân bình yên, ổn định. Một số chỉ số thâm hụt ngân sách, nợ công giảm. Điển hình, tỷ lệ nợ công còn 56% GDP tạo dư địa rất lớn để huy động vốn vào phát triển hạ tầng. Thu hút FDI tăng 32 tỷ USD, giải ngân đạt 17,7 tỷ USD, cao nhất trong các năm gần đây.

Năng lực cạnh tranh quốc gia được Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá tăng 10 bậc, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45% theo tiêu chí của Liên Hợp Quốc. Người đứng đầu Chính phủ thông tin, với tỷ lệ hộ nghèo này, nhà lãnh đạo Myanma trong cuộc gặp gỡ mới đây với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã nhận xét là "đáng kinh ngạc".

Việt Nam giảm nghèo tốt, đồng thời tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh, hiện trên 15%. Chính phủ phấn đấu trước 2030, tầng lớp trung lưu tăng lên 50% dân số, tạo nên một thị trường hấp dẫn.

"Nhiều nước trên thế giới cho rằng Việt Nam có sự phát triển thần kỳ, đồng đều các thành phần dân cư, mọi người đều có thu nhập, đều có sự phát triển trong từng gia đình, từng làng xã", người đứng đầu Chính phủ nói.

Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu - Ảnh 2.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp - lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động

Thủ tướng đánh giá đóng góp vào thành quả của năm 2019 và xuyên suốt hơn 30 năm đổi mới, có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp, thậm chí là thầm lặng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Do đó, Chính phủ cần hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, phát triển bền vững, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Thủ tướng thông tin, sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ra Nghị quyết về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp: Lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm

Trình bày báo cáo với chủ đề Phát triển doanh nghiệp - Động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế; trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.

Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp hùng hậu - Ảnh 3.

Thủ tướng tham quan các gian hàng triển lãm một số sản phẩm tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam

Thống kê cho thấy, vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2016- 2018 đạt khoảng 34,3 triệu tỷ đồng/1 năm, tăng 82% so với bình quân của giai đoạn 2011-2015; riêng năm 2018, đạt 41,7 triệu tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2017 và tăng xấp xỉ gấp 3 lần so với năm 2011.

Số lao động hiện làm việc trong khu vực doanh nghiệp chiếm khoảng 27% lực lượng lao động của toàn xã hội, thu hút bình quân 14,5 triệu lao động/1 năm trong giai đoạn 2016- 2018, tăng 24,4% so với bình quân giai đoạn 2011-2015.

Theo Bộ trưởng Dũng, kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ sự nỗ lực của cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Quá trình cải cách mạnh mẽ, quyết liệt của Chính phủ cùng với nỗ lực của chính cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần tạo nên những điểm sáng ấn tượng của khu vực doanh nghiệp thời gian qua.

Phát biểu về khát vọng "Có một Việt Nam hùng cường 2045", TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam lấy cảm hứng từ câu chuyện về thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 để dẫn dắt.

Theo ông, tăng trưởng kinh tế năm 2019 gần như chắc chắn được chốt ở mức trên 7%. Và đó chính là tấm "Huy chương Vàng" thứ 99 mà Việt Nam đã đạt được trong năm nay, cùng với 98 tấm Huy chương Vàng mà Việt Nam đã đạt được tại SEA Games vừa qua.

"Tấm huy chương vàng thứ 99 là thành quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% cùng các thành quả khác về mặt kinh tế xã hội, Việt Nam xứng đáng đạt được huy chương vàng trong lĩnh vực kinh tế", ông Tuấn khẳng định và cho rằng, nhìn vào thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, chúng ta có kỳ vọng, niềm tin rằng GDP bình quân đầu người của Việt Nam không dừng lại ở mức 3.000 USD/người/năm.

"Tôi tin chúng ta có thể đạt hàng chục nghìn USD nếu có tầm nhìn và khát vọng", ông Tuấn nói.

Với quyết tâm đưa môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào top đầu của ASEAN, Hội nghị tiếp tục khẳng định cam kết Chính phủ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng tiên phong trên mặt trận kinh tế đang ngày càng lớn mạnh, hơn 126.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm. 

Riêng năm 2019, dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760.000 doanh nghiệp.

Hội nghị cũng hướng tới mục tiêu truyền tải thông điệp của Chính phủ là: Thế giới đang thay đổi, hội nhập mạnh mẽ, thách thức về môi trường, các vấn đề xã hội ngày một phức tạp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.